Top 8 Câu Hỏi Thường Gặp Khi Phỏng Vấn Và Cách Trả Lời Hay Nhất

Interview TipsMay 25, 2022 12:00

Phỏng vấn là cách thức trao đổi thông tin giữa doanh nghiệp và ứng viên để xác định mức độ phù hợp giữa cả hai. Vì thế, đây là vòng quan trọng để quyết định rằng ứng viên có được chọn lựa và có nên chọn lựa công việc này hay không. 

Thái độ, sự chuyên nghiệp, chuyên môn của bạn sẽ được công ty đánh giá qua từng câu hỏi, ngay cả những câu hỏi đơn giản nhất. Do đó, việc chuẩn bị trước câu trả lời là cần thiết và quan trọng. Dưới đây, Reeracoen sẽ tổng hợp lại 10 câu hỏi thường gặp khi phỏng vấn chắc chắn bạn sẽ gặp phải và cách thức trả lời để “ghi điểm” trong mắt nhà tuyển dụng.

Top 8 Những Câu Hỏi Thường Gặp Khi Phỏng Vấn Và Mẹo Trả Lời

Giới Thiệu Về Bản Thân 

Đây là câu hỏi bạn chắc chắn sẽ gặp phải trong bất kỳ vòng phỏng vấn nào. Bạn có bao giờ thắc mắc rằng tại sao họ có CV nhưng vẫn yêu cầu bạn giới thiệu bản thân? 

Đối với câu hỏi này, người phỏng vấn có thể đánh giá bạn về thái độ và cách trình bày, diễn đạt thông tin. Cụ thể, một số tiêu chí nhà tuyển dụng sẽ lưu ý như:

  • Cách sắp xếp thông tin trong câu trả lời của bạn.
  • Cách trình bày thông tin đó (dễ hiểu, logic, …).
  • Cụ thể hóa thông tin trong CV. 

Vì thế, để gây ấn tượng trong mắt nhà tuyển dụng , ngoài những dữ liệu cơ bản như họ tên, trường đại học, tuổi, … bạn nên lồng ghép thêm những thông tin để làm bật lên tính cách, thành tựu trong công việc vào phần giới thiệu một cách logic và tự nhiên nhất. Điều này sẽ khiến câu trả lời của bạn mới lạ và hữu ích hơn đối cho việc đánh giá của nhà tuyển dụng.

Điểm Mạnh Và Điểm Yếu Của Bạn Là Gì?

Đây cũng là một trong những câu hỏi thường gặp khi đi phỏng vấn.

Về điểm mạnh, đừng ngại ngần cho công ty thấy những điểm tốt nhất của bạn. Đặc biệt, bạn nên đề cập những ưu điểm của bản thân có liên quan đến công việc đang ứng tuyển, để họ thấy bạn là ứng viên tiềm năng và phù hợp với tiêu chí của công ty. 

Về điểm yếu, thật khó để tự kể xấu về bản thân trước nhà tuyển dụng. Một số tips trên Internet khuyên bạn hãy nói về sự cầu toàn như một điểm yếu. Tuy nhiên, Reeracoen không thật sự khuyến khích bạn trả lời như thế. Tại sao phải cố nói một điểm mạnh trở thành một yếu điểm một cách khiên cưỡng như vậy?

Thay vào đó, hãy chọn lựa và trung thực. Bạn nên kể ra một điểm yếu mà không ảnh hưởng đến công việc hoặc bạn hãy đề cập thêm cách bạn vượt qua để khắc phục điều đó. 

Ví dụ, bạn có thể nói rằng mình là một người hay quên. Và sau đó, đừng quên kể đến những biện pháp bạn đã làm để “trị” yếu điểm này: sử dụng trình nhắc nhở, ghi giấy note, …

Kinh Nghiệm Của Bạn Trong Công Việc Này?

Đôi khi câu hỏi này sẽ không đứng riêng mà được nhà tuyển dụng lồng ghép vào những câu hỏi khác. Tuy nhiên, phần trả lời này chắc chắn cần thiết cho tất cả các buổi tuyển dụng. Vì vậy, hãy lưu ý cách trả lời nhé. 

Thứ nhất, bạn nên nắm rõ về mô tả công việc (Job Description) của vị trí mà mình đang ứng tuyển. Từ đó hệ thống lại những kinh nghiệm liên quan để trình bày cho doanh nghiệp. 

Sau đó, hãy đảm bảo rằng câu trả lời của bạn có đủ các thông tin như sau:

  • Vị trí làm việc cũ.
  • Công việc chính bạn thường làm.
  • Thành tích trong công việc.
  • Khó khăn bạn từng gặp và cách giải quyết (nếu có và thật sự nổi trội).

Tại Sao Bạn Lại Nghỉ Việc Ở Công Ty Cũ?

Nhà tuyển dụng sẽ không hỏi câu hỏi này vì lý do tò mò về vấn đề cá nhân của bạn, mà câu trả lời sẽ thể hiện thái độ cũng như EQ của từng ứng viên

Nếu bạn chỉ chăm chú để phàn nàn về những vấn đề mà mình gặp phải thì đây không phải là một cách ứng xử thông minh. Thật vậy, bạn sẽ bị “trừ điểm” rất nặng nếu câu trả lời phỏng vấn là những câu chuyện chứa đựng sự tiêu cực từ chỗ làm cũ (nói xấu công ty, sếp, đồng nghiệp, hay lương thưởng).

Thay vào đó, tại sao không cho công ty thấy thái độ tích cực, cầu tiến của bạn? Bạn có thể trả lời rằng việc rời công ty cũ là do bạn muốn thay đổi và đối diện với nhiều thử thách mới hơn, cũng như là để học hỏi thêm nhiều điều mà công ty cũ chưa có. 

Hãy nhớ: đừng bao giờ truyền đi năng lượng tiêu cực vì trong lần gặp đầu tiên nó sẽ tạo ra những đánh giá không tốt về bạn. 

Bạn Có Thể Chia Sẻ Một Chút Về Công Việc Và Môi Trường Làm Việc Cũ Của Bạn Không?

Điều này sẽ giúp nhà tuyển dụng có cái nhìn cụ thể hơn về năng lực và tính cách của ứng viên trong công việc và đánh giá rằng bạn có thật sự là ứng viên phù hợp cho công ty của họ hay không. Vì thế, tốt nhất bạn cần chuẩn bị và tập trả lời trước ở nhà.

Ở câu hỏi này, bạn cần đề cập đến quá trình làm việc của bạn (cách thức bạn đã giải quyết các khó khăn trong công việc, chia sẻ khôn ngoan về quy trình làm việc của bạn). Bạn cũng có thể chia sẻ về những lần đạt thành tích cao trong công việc. Ngoài ra, đừng cố “chém” những gì mình không biết. Nhà tuyển dụng có thể dựa vào lần bạn “vô ý” nói sai đó để đánh rớt bạn. 

Tuy nhiên, vẫn nên nhớ rằng đừng “nói xấu” về công ty cũ nhé!

Tại Sao Bạn Ứng Tuyển Vào Vị Trí Này Của Công Ty Chúng Tôi? 

Mục đích chính của các câu hỏi khi phỏng vấn này chính là để đánh giá mức độ quan tâm và sự chuẩn bị của bạn trước khi đến buổi gặp mặt này. Đây cũng là phần giúp bạn thuyết phục nhà tuyển dụng rằng mình là ứng viên tiềm năng, đồng thời cũng rất phù hợp với vị trí này. 

Câu trả lời của bạn nên bao gồm những ý sau:

  • Bạn đã tìm thấy công việc này ở đâu.
  • Bạn đã tìm hiểu được những gì về công ty (chế độ đãi ngộ, vị trí văn phòng, môi trường làm việc, sản phẩm công ty,...).
  • Đề cập nhanh gọn lại những kinh nghiệm có liên quan đến vị trí bạn đang ứng tuyển. 

Từ những gì tìm hiểu và những gì mình có, đưa ra kết luận rằng tại sao bạn ứng tuyển và thích hợp cho vị trí này của doanh nghiệp. 

Mục Tiêu Của Bạn Trong Công Việc Là Gì?

Đây là một trong những câu hỏi thường gặp khi phỏng vấn thường dễ gây mất điểm trong mắt nhà tuyển dụng. Chắc chắn rằng không ai sẽ chọn một người làm việc nhưng không có mục tiêu (ngắn hoặc dài hạn) cụ thể.

Tuy nhiên, những ứng viên trẻ tuổi hoặc những bạn sinh viên mới ra trường lại thường cho nhà tuyển dụng nhận thấy sự phân vân và không rõ ràng trong câu trả lời của họ.

Vì thế, điều bạn cần là làm rõ lộ trình công việc trong chuyên ngành của bạn, để chuẩn bị sẵn cho câu hỏi này. 

Ở mục tiêu ngắn hạn, bạn có thể trả lời rằng bạn sẽ cố gắng thích nghi và học tập thêm nhiều điều mới nếu có cơ hội làm việc tại công ty. Sau đó, sẽ nỗ lực làm việc để vượt qua kì thử việc này và tiếp tục cống hiến cho công việc. 

Mục tiêu dài hạn: Phần này sẽ tùy thuộc vào ngành nghề của bạn. Ví dụ nếu hiện tại bạn đang làm Junior Digital Marketing Executive, thì mục tiêu trong 5 năm tới của bạn có thể hướng đến làm 1 Digital Marketing Full-stack.

Có một số bạn trẻ sẽ trả lời răng: “Em muốn vị trí của anh/chị đang ngồi”. Tuy nhiên, chúng tôi không khuyến khích cách trả lời này, dù rằng một số nhà tuyển dụng sẽ có ánh nhìn tích cực vì nó thể hiện cái “độc lạ, cá tính riêng” của ứng viên. Thay vào đó, đa số nhà tuyển dụng lại khá “ác cảm” khi nhận được đáp án “ngông” như vậy. 

Bạn Có Câu Hỏi Nào Cho Chúng Tôi Không?

Chúng tôi chắc chắn rằng 100% các buổi phỏng vấn sẽ có câu hỏi này. Đừng vội trả lời “Không”, nó sẽ khiến thiện cảm của công ty với bạn giảm đi rất nhiều. 

Đây không chỉ là “bài test” cuối của nhà tuyển dụng trước khi cuộc phỏng vấn kết thúc mà đây đồng thời là cơ hội để bạn lắng nghe và tìm hiểu nhiều hơn về doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, hãy lưu ý rằng đừng đặt những câu hỏi sáo rỗng hoặc không liên quan đến công việc. Dưới đây là một số câu hỏi bạn có thể tham khảo:

  • Hỏi về cơ cấu công ty (phòng ban, số lượng nhân viên).
  • Hỏi về khó khăn trong công việc mà phòng  ban hiện tại đang gặp phải.
  • Hỏi về định hướng tương lai của công ty.
  • Hỏi về văn hóa công ty.
  • Nếu bạn có thắc mắc về chế độ đãi ngộ, bạn cũng nên yêu cầu nhà tuyển dụng giải đáp nhé. 

Kết Luận

Một buổi phỏng vấn giữa nhà tuyển dụng và ứng viên sẽ giúp cả hai hiểu hơn về đối phương. Điều này giúp công ty lựa chọn được nhân viên tiềm năng và ứng viên tìm được công ty phù hợp. 

Vì vậy, nếu bạn là một ứng viên đừng quên chuẩn bị trước những câu hỏi thường gặp khi phỏng vấn để có thể trình bày và diễn đạt tốt nhất. Từ đó, tạo được ấn tượng tốt với doanh nghiệp, đồng thời cũng có thể khách quan đánh giá về công ty qua cách phỏng vấn và cách nhà tuyển dụng trả lời những thắc mắc của bạn