Nghỉ Việc Rồi Có Nên Quay Lại Công Ty Cũ?

Job Hunting TipsApril 14, 2020 16:41

quay-lai-cong-ty-cu

Bạn đã từng nghĩ hay được mời quay lại công ty cũ làm việc? Đây không phải là câu chuyện xa lạ nhưng có thể làm nhiều người bối rối và e ngại. Bạn ra đi là có lý do, sao phải quay lại? Nếu bây giờ bạn quay lại, những người trước đây làm cùng bạn sẽ nói gì?

Trước khi gạt bỏ ý định hay từ chối lời đề nghị, bạn hãy thử suy nghĩ về lợi ích của việc này. Khi quay lại làm việc tại công ty cũ, bạn sẽ dễ dàng hòa nhập hơn, đã có một số mối quan hệ, hiểu biết nhất định về việc kinh doanh, chính sách cũng như những văn hóa trong công ty. Nếu bạn được mời quay lại, khả năng bạn có được vị trí là rất cao, và bạn cũng có khả năng đám phán mức lương cao hơn, tăng nhiều hơn, so với khi bạn ở lại và thăng tiến tại công ty.

Đó là mặt tích cực của việc quay lại nhưng không phải lúc nào mọi việc cũng có thể thuận lợi. Nếu bạn vẫn chưa biết phải quyết định như thế nào, hãy trả lời những câu hỏi sau để làm rõ liệu bạn nên hay không nên quay lại công ty cũ.

Những câu hỏi cần cân nhắc trước khi đưa ra quyết định

1/ Lý do nghỉ việc trước đây là gì?

Hãy trả lời thành thật với bản thân mình về những lý do này. Có rất nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan để bạn nghỉ việc tại công ty cũ. Ví dụ như việc đi lại không thuận tiện vì công ty ở quá xa, vị trí của bạn không có cơ hội thăng tiến cao hơn, bạn cảm thấy môi trường áp lực, bạn có mâu thuẫn với cấp trên, đồng nghiệp… Bạn cần làm rõ những lý do này để chính bản thân bạn không phải mắc lại sai lầm cũ. Những lý do này còn tồn tại hay không? Chúng có còn quan trọng và là yếu tố có thể khiến bạn nghỉ việc một lần nữa không?

Bên cạnh đó, bạn cũng cần nhớ lại là mình đã trình bày những lý do gì khi nghỉ việc tại công ty cũ với nhân sự và cấp trên. Bạn đã nói gì với họ? Nếu bạn đã thành thật và thẳng thắn, bạn sẽ cảm thấy dễ dàng hơn trong việc thuyết phục họ rằng những những nguyên nhân kia không còn là vấn đề nữa bằng lý do tương tự như khi bạn đã chất vấn chính mình. 

2/ Lý do bạn quay lại công ty là gì?

Vì bạn không tìm được việc làm mới? Vì bạn đang cần tiền? Bạn nhận ra môi trường làm việc ở công ty cũ phù hợp với mình, hoặc nhận thấy công ty cũ đã thay đổi và trở thành nơi phù hợp để phát triển? Hay bạn cảm thấy công việc mới quá áp lực, không tốt như bạn nghĩ?

Công việc tại công ty cũ khi bạn quay lại cần phải thỏa mãn các nhu cầu của bạn trong ngắn hạn và dài hạn. Nó có giúp bạn hoàn thành mục tiêu phát triển nghề nghiệp hiện tại của bạn không? Đừng mắc cùng một sai lầm hai lần. Nếu bạn chỉ có ý định quay lại trong thời gian ngắn để chờ đợi cơ hội khác tốt hơn, thì hãy xem xét các lựa chọn khác, vì sớm muộn gì thì các lý do nghỉ việc cũ cũng sẽ lặp lại, khiến bạn ra đi và làm mất lòng tin ở các đồng nghiệp và sếp của mình.

3/ Bạn đã rời công ty cũ như thế nào?

Thái độ của bạn khi nghỉ việc sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ của bạn với những người còn lại trong công ty và cách nhìn của họ về bạn. Bạn đã làm tròn trách nhiệm của mình, đào tạo người thay thế, ra đi trong hòa bình, không có mâu thuẫn với sếp cũ hay nhân sự? Bạn cũng không nói xấu về công ty sau khi ra đi?

Nếu bạn đã bị đánh giá là thiếu chuyên nghiệp và vô trách nhiệm khi đi trễ về sớm, hời hợt, bỏ mặc công việc trong những ngày cuối cùng, thì cơ hội quay trở về của bạn sẽ là rất thấp. 

Xem thêm: Nghỉ việc cũng phải đúng cách?

4/ Quan hệ với đồng nghiệp ở công ty cũ như thế nào?

Bên cạnh việc giữ thái độ chuyên nghiệp, việc duy trì các mối quan hệ tốt sau khi rời khỏi công ty cũ cũng rất quan trọng. Vì sau một thời gian không liên hệ, bạn sẽ không biết họ thay đổi như thế nào và họ cũng không biết bạn đã thay đổi như thế nào.

Nếu bạn vẫn còn giữ mối quan hệ tốt với đồng nghiệp và sếp cũ, họ sẽ hiểu và thông cảm với hoàn cảnh của bạn hơn, thậm chí có thể giúp bạn biết được các thông tin tuyển dụng và cân nhắc bạn cho vị trí nhiều hơn.

5/ Lý do bạn nghỉ việc ở công ty gần đây nhất là gì?

Câu hỏi này giúp bạn xác định được mục tiêu trong công việc tiếp theo của mình. Và vì vậy, công ty cũ của bạn cũng sẽ quan tâm đến vấn đề này khi bạn quay lại làm việc cho họ. Nếu bạn chỉ vừa mới làm ở công ty mới mà có ý định quay lại công ty cũ ngay, hãy thận trọng trong quyết định. Vì có thể bạn đang rơi vào tình trạng “đứng núi này trông núi nọ”. Hãy xem xét công việc mới có thực sự không phù hợp hay bạn chỉ đang cảm thấy căng thẳng ở giai đoạn đầu vì có nhiều thứ chưa biết, và cân nhắc bạn đã thực sự sẵn sàng để nghỉ việc.

6/ Bạn sẽ làm việc với ai khi quay lại công ty cũ?

Biết được mình sẽ cùng làm việc với ai giúp bạn biết được cơ hội học hỏi và cách để xây dựng mối quan hệ cần thiết cho công việc. Và điều này càng được xem xét kỹ hơn nếu lý do bạn nghỉ việc trước đây là vì mối quan hệ không tốt của bạn với một số người trong công ty. Liệu bạn có phải làm việc với họ hay không? Mâu thuẫn trong quan hệ đó có còn không? Nếu phải làm việc cùng, bạn có cách để cải thiện mối quan hệ đó hay chấp nhận bỏ qua mâu thuẫn để làm việc?

Vậy khi nào bạn nên quay lại công ty cũ?

  • Thái độ của bạn khi ra đi chuyên nghiệp
  • Công ty có thể đáp ứng hoặc giúp bạn đạt được những mục tiêu dài hạn và ngắn hạn mà bạn đề ra 
  • Bạn có thể mang lại giá trị cho công ty
  • Bạn có khả năng thích ứng và cảm thấy phù hợp với môi trường, văn hóa, và công việc khi quay lại

 

Làm thế nào để quay lại công ty cũ

Nghiên cứu các lựa chọn

Nếu bạn được mời quay lại, đừng vội từ chối hay đồng ý. Hãy sắp xếp một buổi gặp mặt với người đưa ra lời mời để tìm hiểu thêm. Đây là lúc bạn đặt câu hỏi ngược lại cho phía công ty. Tại sao họ muốn bạn quay lại? Lời đề nghị của họ có phù hợp với mục tiêu của bạn hay không? Đừng quay lại chỉ vì sự trung thành hay cảm giác nợ ơn nghĩa. Hãy sòng phẳng và thẳng thắn khi quyết định vì nếu không phù hợp với mong muốn, bạn cũng sẽ lại sớm ra đi và làm phí thời gian của cả hai bên.

Nếu bạn là người có ý định quay trở lại trước, bạn cũng phải trao đổi với sếp hoặc nhân sự tại công ty cũ của mình để hỏi thăm về tình hình tuyển dụng cũng như khả năng và các chính sách cho những người quay trở lại. Đừng nhờ vả thông qua đồng nghiệp cũ, bạn phải là người chủ động liên lạc trực tiếp với bên phụ trách tuyển dụng để có thông tin chính xác, trao đổi cụ thể, thể hiện rõ quyết tâm quay trở lại và nhận được sự tin tưởng từ họ.

Bên cạnh đó, bạn cũng nên nghiên cứu kỹ lại lần nữa về công ty, ví dụ như tình hình tài chính, thị trường, thay đổi trong nhân sự, tổ chức,… Mọi thứ đều có thể thay đổi trong thời gian bạn ra đi, vì vậy bạn cũng cần tìm hiểu lại về nhà tuyển dụng của mình, dù trước đây bạn đã từng làm cho họ, như khi bạn ứng tuyển cho bất kì công việc nào khác.

Nếu bạn vẫn còn đang làm việc ở một công ty khác, hãy nói chuyện với họ về ý định quay lại công ty cũ. Có thể họ sẽ thuyết phục bạn ở lại, biết đâu cơ hội mới sẽ mở ra, hoặc cũng có thể việc trao đổi sẽ củng cố cho lý do và quyết định quay lại làm tại công ty cũ của bạn. Hãy khám phá hết tất cả các lựa chọn mà bạn có để có câu trả lời chính xác nhất.

Bạn cũng cần chuẩn bị tinh thần cho khả năng bị từ chối hoặc không đậu phỏng vấn. Bạn đã từng làm việc cho công ty nhưng có khả năng sếp mới cảm thấy bạn không phù hợp hoặc vị trí có những yêu cầu mới hoặc khác mà bạn chưa đáp ứng được. 

Bắt đầu lại từ đầu

Có thể bạn sẽ hoài nghi liệu mình có phải là kẻ bại trận hay “mặt dày” khi đã nghỉ việc mà vẫn quay lại công ty cũ. Đừng để tự ái xen vào hay để ý kiến của những người xung quanh làm bạn lay động. Nếu bạn được nhận làm việc lại, hãy tự tin với quyết định của mình vì bạn đã cân nhắc kỹ và nỗ lực hết mình.

Về làm việc tại công ty cũ nhưng công việc bạn làm, quy trình hay những người làm cùng chưa chắc đã như cũ. Hãy giữ thái độ lịch sự và chừng mực trong khoảng thời gian đầu, bắt đầu mọi thứ như người mới.

  • Giới thiệu lại bản thân bạn với tất cả mọi người để họ có cái nhìn rõ hơn về bạn sau khoảng thời gian không làm việc cùng.
  • Định hình kỳ vọng của mọi người về bạn (trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền hạn, và năng lực) ở vị trí mới bằng cách đóng góp những ý kiến, kiến thức bạn học được ở những công ty khác (một cách khéo léo và chọn lọc), nhiệt tình giúp đỡ nhưng biết giới hạn trách nhiệm của mình ở đâu.
  • Xây dựng mối quan hệ với tất cả mọi người. Đừng chỉ trò chuyện với những người cũ mà bạn quen biết. Hãy tìm hiểu về cả những người mới vì chính trị trong công ty có thể đã khác so với lúc bạn còn làm.
  • Làm quen (lại) với công việc bằng cách dành thời gian học các quy trình, thủ tục, cách làm công việc của mình trong những ngày đầu nhận việc. Có thể bạn đã quên hoặc hệ thống công ty đã thay đổi, nâng cấp vì vậy đừng vội vã làm việc lớn, hãy bắt đầu từ những bước nhỏ.
  • Thảo luận lại các điều khoản hợp đồng lao động. Sau một thời gian dài, có thể bạn và công ty đều có những điều kiện và khả năng đáp ứng khác. Hãy thảo luận lại tất cả để bạn có thể đảm bảo rằng mình sẽ hài lòng với công việc khi quay lại.

Dù lựa chọn của bạn là gì, bạn cũng cần có trách nhiệm với nó. Và dù lựa chọn của bạn chưa đúng, điều đó cũng sẽ cho bạn một kinh nghiệm, trải nghiệm mới. Hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi ra quyết định. Reeracoen chúc bạn thành công!

Bạn đang tìm kiếm cơ hội việc làm mới dành cho mình?

🌏 Tham khảo website www.reeracoen.com.vn để xem và tìm kiếm tất cả tin tuyển dụng mới nhất từ Reeracoen Vietnam.
👍 Follow Reeracoen Vietnam HR Facebook và Reeracoen Vietnam LinkedIn để được cập nhật công việc hấp dẫn mỗi tuần.