NENGAJOU – THIỆP MỪNG NGÀY TẾT CỦA NGƯỜI NHẬT

Japanese CultureApril 25, 2019 17:54

Nengajou

Một trong những nét đặc sắc trong phong tục đón tết của người Nhật là tập quán gửi thiệp chúc mừng năm mới (Nengajou). 

Ở Nhật Bản, sáng mồng một Tết có lẽ là một trong những buổi sáng yên tĩnh nhất của cả năm. Đường phố vắng vẻ chứ không nhộn nhịp như ngày thường. Chỉ có những cơn gió lạnh thổi nhè nhẹ trên phố. Nhưng các nhân viên bưu điện lại vô cùng bận rộn vào ngày mồng 1 Tết. Họ phải đi phát chuyển nengajo, tức là thiệp chúc Tết.

Gia đình nào cũng nhận được hàng bó thiệp. Họ vừa thưởng thức món ăn ngày Tết, vừa chuyền tay nhau đọc những tấm thiệp từ người thân, bạn bè.

Đọc lời chúc mừng của người thân, bạn bè, đồng nghiệp là một trong những thú vui ngày Tết đối với hầu hết người Nhật. Tuy nhiên, nếu năm ấy trong nhà có người mất, họ sẽ không được nhận hay gửi thiệp năm mới cho bất kỳ ai. Tập tục này ra đời từ Phật giáo. Trong thời kỳ để tang không đến những nơi vui chơi giải trí, không ồn ào ầm ĩ hoặc chè chén linh đình. Mọi người cùng cầu nguyện cho người đã khuất bằng sự tĩnh tâm và việc làm thầm lặng của mình.

Tấm thiệp chúc mừng năm mới có đủ loại. Nhiều người thích tự làm tay, viết những lời chúc bằng bút lông. Chiếc thiệp được trang trí bằng những hình lấy chủ đề từ con giáp của năm đó. Những người khác thì thuê hiệu in ấn làm các tấm thiệp theo sở thích của mình. Tất nhiên, ngày nay nhiều người vẽ thiệp bằng máy vi tính cá nhân. Đương nhiên, các công ty, nhà hàng, cửa hiệu cũng gửi nhiều thiệp chúc Tết cho khách hàng.

Trung bình, mỗi người Nhật gửi bao nhiêu thiệp chúc Tết? Thông thường, càng cao tuổi thì người ta càng gửi nhiều thiệp. Một học sinh tiểu học có thể gửi khoảng mươi chiếc cho ông bà, bạn bè. Một người mới đi làm thường gửi khoảng hơn 100 chiếc cho đồng nghiệp, bạn bè. Có những trường hợp gửi 200-300 chiếc cũng không phải hiếm. Cá biệt, có những người gửi tới 1000, thậm chí 2000 thiệp chúc Tết.

Bưu điện bảo đảm phát chuyển đúng vào ngày mồng 1 đối với tất cả những tấm thiệp chúc Tết gửi trước ngày 25/12. Đây là một cách thức được áp dụng suốt từ năm 1899. Kể từ đó đến nay, việc này luôn được đảm bảo hiệu quả, chính xác. Thiệp xổ số bắt đầu được áp dụng từ năm 1949 và nhờ đó số lượng thiệp bán ra tăng vọt.

Số lượng thiệp chúc Tết mỗi năm càng nhiều lên. Cứ vào cuối tháng 12 và đầu tháng Giêng là các bưu điện vô cùng bận rộn. Nhiều sinh viên đại học hoặc học sinh trung học được huy động để phân loại và chuyển phát số lượng thiệp khổng lồ này. Các nhân viên bưu điện chỉ được rảnh rỗi khi năm mới đã qua đối với mọi người.

Nguồn: Sưu tầm