CẨM NANG ĐỐI PHÓ VỚI SẾP “KHÓ CHIỀU”

Key to sucessApril 25, 2019 17:58

Cam nang doi pho sep kho chieu

Ai cũng mong muốn có được một vị sếp tài giỏi, tâm lý, dễ tính khi đi làm. Tuy nhiên, thực tế lại ngược lại, chúng ta có thể phải chịu áp lực không nhỏ từ những người sếp khó tính hàng ngày. Đây là một trong những lý do khiến rất nhiều người mất động lực và lựa chọn từ bỏ công việc hiện tại. Dưới đây là 5 kiểu sếp “khó chiều” thường gặp và hướng giải quyết.

1️⃣️️️️️ Kiểu “Cầu toàn”

Chúng ta chắc đều đã từng gặp kiểu người này. Họ thường gặp khó khăn khi trao quyền và khi giao công việc cho cấp dưới, họ thường dành nhiều thời gian để giám sát mọi việc đảm bảo theo đúng yêu cầu. Kiểu sếp này thường không tạo cơ hội cho bạn đóng góp ý kiến và phát huy được toàn bộ khả năng của mình. Hướng giải quyết: với kiểu sếp cầu toàn, sự tin tưởng thường là vấn đề cốt lõi. Bạn cần thể hiện để giành được sự tin tưởng từ họ. Hãy luôn đến đúng giờ, hoàn thành công việc đúng hạn, luôn cập nhật thông tin và tiến trình cho sếp qua email, trao đổi. Bằng cách này, họ sẽ không phải lo lắng về điều bạn đang làm và dần dần sẽ nhìn nhận bạn là một nhân viên có khả năng.

2️⃣ Kiểu “kiệm lời”

Ngược lại với kiểu cầu toàn, vị sếp này thường cung cấp quá ít hoặc không đưa ra bất kỳ chỉ dẫn công việc nào. Họ chỉ muốn bạn xong việc trong thời gian sớm nhất mà lại không dành thời gian giải thích về điều họ muốn. Đây là một tình huống vô cùng nan giải cho các nhân viên. Hướng giải quyết: cách đối phó tốt nhất đó là hãy hỏi cụ thể trước khi bắt tay vào làm. Đừng tự nghĩ về thứ mà sếp muốn, hãy lập danh sách các câu hỏi mà bạn còn thắc mắc và hỏi họ về những kỳ vọng cần đạt được của công việc này.

3️⃣ Kiểu “bắt nạt”

Đây là kiểu sếp thường xuyên nổi nóng và dọa nạt, mắng mỏ để đạt mọi thứ theo ý họ và không quan tâm đến thể diện của bạn trước các nhân viên khác. Hướng giải quyết: hãy đứng lên, tạo tiếng nói cho mình khi cần thiết. Kiểu sếp này thường sẽ hạ giọng và tôn trọng bạn hơn nếu bạn đưa ra những ý kiến một cách mạnh mẽ và nghiêm túc. Khi đưa ra ý kiến tranh luận, hãy thể hiện tiếng nói bản thân một cách hợp lý lẽ với thái độ tôn trọng và hầu hết người khác sẽ lắng nghe bạn.

4️⃣ Kiểu “thí tốt”

Kiểu sếp này thường đánh giá thấp công sức của những người khác và thường hay đổi lỗi. Khi phát sinh vấn đề gì thì thường là lỗi của người khác trong khi nếu đạt được thành tích, họ lại là người đầu tiên đứng ra nhận công lao. Hướng giải quyết: đừng ngại việc cho người khác biết về những đóng góp của bạn, bao gồm các đồng nghiệp và các nhà quản lý cấp cao. Đồng thời, hãy cố gắng giữ lại các bằng chứng bằng văn bản bạn có được từ sếp để khi bị đổ lỗi bạn có thể chứng mình cho bản thân mình.

5️⃣ Kiểu “thất thường”

Đây là kiểu sếp khó đoán nhất. Họ có thể khen ngợi bạn vào ngày hôm nay nhưng lại hạ thấp bạn vào lúc khác. Họ có thể là đồng minh sáng giá nhất nhưng cũng có thể là kẻ thù tồi tệ nhất tùy thuộc vào ngày làm việc trong tuần. Đây cũng là những người có biểu đồ cảm xúc liên lục giao động. Hướng giải quyết: hãy luyện tập việc không để bụng về thái độ của sếp. Kiểu người này thất thường theo tâm trạng chứ thực chất họ đối xử với mọi người như nhau. Vào những ngày thấy tâm trạng sếp không tốt, hãy cố gắng tránh làm phiền hết mức có thể và chỉ trao đổi về những vấn đề quan trọng.

Bạn không thể kiểm soát được những hành động của người khác, nhưng bạn có thể kiểm soát cách ứng xử của mình. Thông thường, sếp của bạn có thể nổi nóng vì họ đang trải qua một vấn đề khó giải quyết khác, cấp trên của họ đang đặt nặng áp lực hoàn thành chỉ tiêu hoặc đang gặp vấn đề không vui trong đời sống đời thường. Bạn sẽ không bao giờ biết được về những điều người khác đang phải trải qua, vì vậy hãy cố gắng để thông cảm cho họ.

Nếu đã cố gắng thông cảm những vẫn còn nhiều bức xúc thì bạn có thể gặp trực tiếp cấp trên và lịch sự trao đổi về các vấn đề khúc mắc này. Bạn sẽ có thể ngạc nhiên về phản ứng của họ và biết đâu họ có thể có những hành động thay đổi để hài hòa hơn.

Nguồn: trackvia.com

Dịch: LN - Reeracoen