"AIMAI” – NÉT ĐẶC TRƯNG TRONG GIAO TIẾP CỦA NGƯỜI NHẬT

Japanese CultureApril 25, 2019 16:59

Amai cach giao tiep cua nguoi Nhat

Mỗi nền văn hóa có những quy tắc riêng về việc giao tiếp. Nền văn hóa phương Tây thường chú trọng việc giao tiếp trực tiếp, cởi mở như nền móng của việc xây dựng sự thấu hiểu lẫn nhau. Nhưng với nền văn hóa của Nhật bản thì giá trị của sự hòa hợp mới là nguyên tắc cơ bản để tìm hiểu đối phương trong giao tiếp. Vậy làm thế nào để đạt được sự hòa hợp trong giao tiếp? Người Nhật có một cách giao tiếp đặc trưng đó là “Aimai” (cách nói lấp lửng không đưa ra quyết định rõ ràng) để duy trì sự hòa hợp này.

Cách giao tiếp này hình thành từ đặc trưng xã hội Nhật Bản - một xã hội được xây dựng dựa trên sự đoàn kết của mọi người để sống sót trước những điều kiện khó khăn. Chính vì vậy mà sự hòa hợp là điều rất cần thiết. Cộng đồng trở nên quan trọng hơn cá nhân. Và khi sống trong môi trường cộng đồng thì việc giữ hòa khí quan trọng hơn việc nói ra sự thật mà có thể gây phật ý những người xung quanh. Người Nhật thường gặp khó khăn trong việc đưa ra lựa chọn rõ ràng “Có” hay “Không”. Các quyết định thường được kéo dài vì cần cân nhắc nhiều các yếu tố ảnh hưởng tới các thành phần khác nhau để không ảnh hưởng tới hòa khí chung. Với văn hóa Mỹ, việc không quyết đoán thường được cho là yếu điểm nhưng với văn hóa Nhật, nó được coi là khôn khéo.

Người Nhật cũng rất thận trọng trong việc tránh phân biệt địa vị xã hội để đối phương không cảm thấy đang bị xúc phạm. Và để tránh nguy cơ xúc phạm đối phương thì việc trả lời lấp lửng sẽ có ích hơn là nói cụ thể. Mặc dù người Nhật đưa ra câu trả lời có thể mơ hồ, nhưng nó cũng là một dấu hiệu để nhận biết được ý định thực sự của người nói. Đây được gọi là nghệ thuật đọc vị, một nghệ thuật hiểu được quan điểm của đối phương trong khi giao tiếp mà không cần thể hiện ra thành lời. Một ví dụ đó là, thay vì nói “Không” hầu hết người Nhật sẽ nói “Chotto – Có lẽ là...” – và sẽ được hiểu rằng “Điều này có lẽ hơi khó cho tôi…”. Kể cả họ không trực tiếp nói “không” nhưng mọi người sẽ đều hiểu rằng “Chotto” là một cách lịch sự để từ chối. Thay vì dò hỏi cụ thể về vì do tại sao đối phương lại nói vậy, hầu hết người Nhật đều hiểu ý và không tiếp tục đề cập đến vấn đề này nữa.

Sự khác biệt văn hóa trong giao tiếp rất có thể gây ra những hiểu nhầm nhất định. Vì vậy, khi tiếp xúc với bất kỳ nền văn hóa nào mới, hãy tìm hiểu thật kỹ để có thể hiểu đúng và không có những định kiến sai lệch. Văn hóa Nhật Bản hay các nền văn hóa khác trên thế giới đều có những nguyên tắc và nét đẹp riêng, và một khi đã hiểu bạn sẽ càng yêu thích và trân trọng hơn những sự khác biệt này đấy.