Làm thế nào để ghi nhớ thông tin thật hiệu quả?

Key to sucessApril 24, 2019 16:54

Nguyên tắc chính để ghi nhớ thông tin một cách thực sự hiệu quả và lâu dài, chính là cố gắng chuyển những dữ kiện mà chúng ta thu nhận được từ bộ nhớ ngắn hạn, sang bộ nhớ dài hạn! Bộ nhớ của con người bao gồm hai thành phần: bộ nhớ ngắn hạn và bộ nhớ dài hạn. Để bảo vệ bộ não khỏi việc quá tải bởi những thông tin “rác” không cần thiết, tất cả mọi thông tin mới mẻ mà bạn thu nhận, ban đầu sẽ được lưu trữ trong bộ nhớ ngắn hạn.

Nếu không lặp lại hoặc sử dụng đến chúng, bạn sẽ nhanh chóng quên đi. Theo tính toán của các nhà khoa học, chỉ sau 1 tiếng đồng hồ, bộ não có thể quên đi đến hơn một nửa những gì mà mình vừa học được. Trong khi đó, nếu thời gian là một tuần, những gì bạn còn nhớ chỉ còn khoảng 20%.

Chìa khóa của việc lưu trữ các thông tin trong bộ não một cách lâu dài, chính là cố gắng chuyển những thông tin đó từ bộ nhớ ngắn hạn, sang bộ nhớ dài hạn. Dựa trên nguyên tắc này, có những phương pháp hỗ trợ cho việc ghi nhớ thông tin một cách nhanh chóng và lưu trữ chúng lâu dài như sau:

🔻 Cố gắng hiểu những gì bạn muốn nhớ: Theo các nhà khoa học, nếu hiểu và nắm bắt được những bài học, thì tốc độ ghi nhớ sẽ nhanh hơn đến 9 lần so với học vẹt. - Học những thông tin quan trọng nhất: Hãy ưu tiên ghi nhớ những ý chính, then chốt trong khối lượng thông tin mà bạn cần tiếp thu.

🔻 Theo các nghiên cứu, những thông tin mà bạn tiếp thu đầu tiên và cuối cùng sẽ được ghi nhớ tốt nhất. Dựa trên kết quả này, ta có thể tổ chức, sắp xếp lại khối lượng thông tin để đưa những chi tiết quan trọng nhất về phía đầu hoặc cuối của quá trình học thuộc.

🔻 Ghi nhớ những thứ đối lập: Ví dụ, khi học từ vựng ngoại ngữ hãy cố gắng học theo các cặp từ đối lập như “ngày & đêm”, “nước & lửa”. Phương pháp học này sẽ giúp bạn ghi nhớ dễ dàng hơn.

🔻 Tạo mối liên kết giữa các thông tin: Hãy tạo sợi dây liên kết giữa các thông tin rời rạc mà bạn học được, dựa trên một chi tiết chung nào đó do chính bản thân quy định. Sự liên kết này có thể theo chuỗi hoặc theo cặp tùy từng trường hợp. Việc kết nối các thông tin lại với nhau sẽ giúp chúng ta khó có thể bị “lạc” mất bất kỳ dữ kiện nhỏ nào.

🔻 Tạo nên một câu chuyện: Trong nhiều trường hợp, bạn có thể sử dụng những thông tin mà mình vừa học được để xây dựng nên một bức tranh toàn cảnh, hoặc một câu chuyện. Từ đó, ta có thể dễ dàng nhớ lại từng dữ kiện nhỏ khi hình dung về “tập hợp” đó.

🔻 Sử dụng đến băng ghi âm: Bạn có thể ghi âm những thông tin mà mình cần học thuộc và nghe lại nó trong những lúc rảnh rỗi. Phương pháp này tỏ ra đặc biệt hiệu quả với những người có khả năng ghi nhớ âm thanh tốt hơn hình ảnh.

🔻 Sử dụng phương tiện ghi nhớ phù hợp nhất: Bộ nhớ của mỗi người có một nét đặc trưng riêng. Có người giỏi ghi nhớ thông qua thị giác. Trong khi đó, có trường hợp lại nằm lòng các thông tin tốt hơn nếu tiếp thu bằng thính giác. Do đó, hãy thử kiểm tra và chọn phương pháp học thuộc tốt nhất cho riêng mình, thay vì chăm chăm bắt chước theo người khác.

Nguồn: Sưu tầm