Phải làm sao khi gặp sự cố lúc phỏng vấn?

Interview TipsJuly 08, 2020 18:08

su-co-luc-phong-van

Dù đã chuẩn bị kỹ càng cho một buổi phỏng vấn nhưng đôi khi vẫn có những tình huống khách quan không đoán trước được nhưng lại có thể ảnh hưởng đến kết quả của bạn. Vậy làm thế nào để xử lý các sự cố lúc phỏng vấn?

Thời tiết ngày phỏng vấn

Bạn đã nghiên cứu, tập luyện, chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng để có một buổi phỏng vấn hoàn hảo thì một cơn mưa ập đến. Gió bão, sét đánh, đường ngập, cây đỗ, tắt đường, tai nạn trên đường, người bạn bị ướt và bẩn,… có hàng ngàn lý do để thời tiết có thể ảnh hưởng đến cuộc phỏng vấn của bạn.

Vì mức độ quan trọng và ưu tiên của buổi phỏng vấn, bạn có thể quyết định xin dời lịch hoặc hủy phỏng vấn. Nhưng hãy nhớ rằng bạn đã mất đi một cơ hội để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng cũng như sẽ có thể khó khăn cho việc sắp xếp lại buổi phỏng vấn khác, đặc biệt là với các tập đoàn lớn có quy trình tuyển dụng nghiêm ngặt.

Nếu đó là công việc mơ ước, bạn vẫn quyết tâm dự buổi phỏng vấn bất kể thời tiết, hãy tìm cách bảo vệ quần áo, giấy tờ của mình, mang theo một bộ tài liệu, quần áo phòng hờ, khăn giấy để chỉnh trang lại bản thân trước khi vào phỏng vấn. Khi quần áo của bạn bị bẩn, ướt, rách, hãy giải thích để nhà tuyển dụng hiểu và thông cảm.

Và cách tốt nhất để tránh gặp phải sự cố trong trường hợp này, bạn có thể xem trước dự báo thời tiết và đến sớm hơn một chút và đợi ở gần nơi phỏng vấn.

Phỏng vấn bị dời lịch

Bạn đã sẵn sàng tinh thần cho một buổi phỏng vấn, dù thời tiết có thế nào nhưng một tin nhắn hay cuộc gọi từ nhà tuyển dụng yêu cầu dời lịch? Tuy sẽ có bất tiện cho bạn, nhưng hãy tỏ ra chuyên nghiệp, thông cảm với nhà tuyển dụng. Nếu bạn vẫn muốn tiếp tục, hãy chủ động hỏi về việc sắp xếp một buổi phỏng vấn khác.

Điều này sẽ thể hiện mong muốn làm việc cũng như sự chủ động, linh hoạt của bạn trong những tình huống bất ngờ.

Phỏng vấn chuyển từ trực tiếp sang hình thức khác

Cũng có những trường hợp người phỏng vấn có chuyến công tác đột xuất nhưng họ không dời lịch, vẫn tiếp tục muốn phỏng vấn bạn qua video hay điện thoại thay vì gặp gỡ trực tiếp. Đừng lo lắng, bạn vẫn có thể áp dụng những gì mình đã chuẩn bị cho buổi phỏng vấn trực tiếp. Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý một số điểm khác biệt để tránh sự cố lúc phỏng vấn.

Phỏng vấn qua video: kiểm tra camera, microphone, kết nối mạng, không gian xung quanh, quay video hoặc gọi video với bạn bè, gia đình luyện tập, nói chuyện chậm rãi, âm lượng vừa đủ (đừng quá nhỏ hay quá lớn), kiểm soát ngôn ngữ hình thể

Xem thêm các bí quyết cho phỏng vấn qua video thành công.

Phỏng vấn qua điện thoại: người phỏng vấn chỉ nhận được tín hiệu âm thanh từ bạn, vì vậy hãy chọn nơi ít tiếng ồn, sóng tốt để đường truyền không bị đứt quãng, kiểm tra microphone, chất lượng âm thanh của thiết bị, lưu ý âm lượng giọng nói, giọng điệu, cách dùng từ, ngắt câu của mình để tránh bị hiểu nhầm, tập trung lắng nghe thật kỹ để người phỏng vấn không phải lặp lại nhiều lần

Nhầm giờ phỏng vấn

Nhiều buổi phỏng vấn ở những khung giờ giống nhau có thể khiến bạn nhầm lẫn về thời gian và cả địa điểm phỏng vấn. Nhà phỏng vấn hẹn 1 giờ nhưng đến 1h45 bạn mới đến và nghĩ là mình sớm 15 phút? Hãy bình tĩnh, xin lỗi vì sự nhầm lẫn và xem nhà tuyển dụng có muốn tiếp tục phỏng vấn lúc đó hay sẽ điều chỉnh vào thời gian khác. Nếu sai địa điểm, hãy thông báo với nhà tuyển dụng rằng có thể bạn đến trễ ngay khi nhận ra mình đã nhầm.

Đi trễ

Dù chỉ đến trễ 5 phút, bạn cũng nên thông báo với nhà tuyển dụng khi ước chừng rằng mình sẽ không kịp đến buổi phỏng vấn. Nếu khung thời gian nhà tuyển dụng đưa ra không tiện cho bạn hoặc bạn không chắc về lịch trình của mình, hãy trao đổi thẳng thắn với họ ngay từ đầu. Nếu bạn đến trễ hơn 30 phút, có khả năng bạn sẽ phải chờ vì đó là khung thời gian dành cho ứng viên khác hoặc các công việc khác của nhà tuyển dụng. Trong trường hợp này, nếu bạn không thể chờ, hãy giải thích lý do bạn đến muộn và sắp xếp một buổi phỏng vấn vào thời gian khác.

Quên mang hồ sơ

Một số nhà tuyển dụng có thể yêu cầu bạn mang theo một số hồ sơ như dự án từng làm, bằng cấp, chứng chỉ,… Nếu việc quay lại lấy hồ sơ không mất thời gian làm trễ phỏng vấn hay bạn có thể nhờ người mang đến hộ, thì sự cố lúc phỏng vấn này sẽ không thành vấn đề. Nhưng nếu bạn vẫn không thể lấy hồ sơ, hãy xin lỗi, chủ động thông báo ngay khi bạn nhớ ra mình quên và hẹn gửi lại qua email (có thể đính kèm file trong mail follow up, thank you) hoặc trực tiếp đến nộp lại vào một ngày khác nếu họ yêu cầu bản cứng.

Thứ tự phỏng vấn cuối

Thường nhà tuyển dụng sẽ sắp xếp các buổi phỏng vấn liền nhau. Nếu bạn thấy một hàng người đang đợi phỏng vấn và mình là một trong những người cuối cùng. Sự so sánh với một ứng viên cực kì xuất sắc trước đó cũng như mệt mỏi có thể làm ảnh hưởng đến quyết định của nhà tuyển dụng. Nhưng đừng lo lắng. Khi đến lượt mình, bạn hãy cố gắng nói chuyện to rõ để gây sự chú ý, lồng ghép những câu chuyện thú vị để lôi cuốn người phỏng vấn hơn. Và gửi mail cảm ơn sau phỏng vấn để nhắc họ nhớ về bạn.

Quên tên người phỏng vấn

Khi trao đổi với một người phỏng vấn, bạn ít khi cần phải dùng đến tên của họ. Nhưng nếu bạn có thể gọi tên họ sẽ là một điểm cộng, tạo mối quan hệ thân thiết hơn. Và trong trường hợp có nhiều người phỏng vấn, bạn sẽ cần dùng tên khi trả lời câu hỏi của từng người đặt câu hỏi cho bạn. Tập trung lắng nghe phần giới thiệu, trao đổi giữa những người phỏng vấn, quan sát bảng tên, xin danh thiếp (lưu lại cho sau buổi phỏng vấn), hoặc xin lỗi và nhờ họ lặp lại khi lỡ quên tên của họ. Nếu bạn là người hay quên, hãy tìm cách để nhắc lại tên của họ ngay lập tức và sử dụng xuyên suốt buổi nói chuyện.

Người phỏng vấn bận việc

Đang phỏng vấn, người phỏng vấn bạn có công việc cần giải quyết đột xuất. Nếu gặp sự cố lúc phỏng vấn này, bạn cần phải làm gì? Hãy chủ động đề nghị bạn vẫn sẵn sàng sắp xếp một buổi khác nếu họ quá bận. Đối với những gián đoạn nho nhỏ, bạn hãy kiên nhẫn chờ và bày tỏ sự thông cảm. Nếu buổi phỏng vấn bị cắt ngắn hơn so với dự định, bạn vẫn nên giữ thái độ lịch sự, thông cảm, và bày tỏ hi vọng một cơ hội khác để trình bày, trao đổi nhiều hơn.

Thay đổi người phỏng vấn

Bạn được biết trước tên người phỏng vấn mình và dành thời gian để nghiên cứu người này nhưng khi phỏng vấn lại là một người bạn hoàn toàn không biết, hay có sự thay đổi người phỏng vấn giữa chừng. Hãy làm quen bằng cách hỏi về vị trí của họ, mối liên hệ tron công việc giữa bạn và người này, giới thiệu sơ về bản thân và tóm tắt những điều bạn đã trao đổi với người phỏng vấn kia. Đây là cơ hội tốt để làm quen, thể hiện khả năng quản giao của bạn.

Sự cố về kĩ thuật

Khi bạn đang ở vòng trình bày ý tưởng, các sự cố như máy tính hỏng khiến bạn không thể trình chiếu những gì mình làm. Hãy chuyển sang thuyết trình miệng, vẽ minh họa trên giấy hoặc bảng, vận dụng những gì có thể có để tiếp tục trình bày ý tưởng của bạn. Đây là cơ hội và minh chứng tốt nhất để bạn thể hiện khả năng ứng phó với tình huống bất ngờ của mình.

Câu hỏi bất ngờ

Hiện nay có rất nhiều tài liệu về các câu hỏi bất ngờ. Không có câu trả lời đúng sai cho những câu hỏi này, nhưng bạn có thể đoán được ý đồ của nhà tuyển dụng thông qua câu hỏi đó. Vì vậy bạn chỉ có thể suy nghĩ về câu hỏi đó thật kĩ, tìm câu trả lời có liên kết với điểm mạnh, tính cách của bạn, công việc, hỏi lại nếu bạn chưa hiểu rõ ý của nhà tuyển dụng.

Xem thêm cách trả lời các câu hỏi phỏng vấn thường gặp.

Nếu bạn đang tìm kiếm cơ hội việc làm mới, gặp khó khăn khi phỏng vấn, hãy để Reeracoen hỗ trợ bạn.

💁‍♀ Tư vấn viên của Reeracoen luôn sẵn sàng để tìm kiếm, giới thiệu, và tư vấn những vị trí phù hợp với hồ sơ của bạn.
🌏 Tất cả thông tin tuyển dụng mới nhất trong nhiều ngành nghề từ Reeracoen Vietnam được cập nhật thường xuyên tại www.reeracoen.com.vn.
👍 Hãy follow Reeracoen Vietnam HR Facebook và Reeracoen Vietnam LinkedIn để biết các công việc hấp dẫn trong tuần.