Những Lỗi Cần Tránh Khi Phỏng Vấn Xin Việc

Interview TipsDecember 15, 2019 15:30

loi-can-tranh-khi-phong-van-xin-viec

Có những hành động bạn vô tình làm, không có chủ ý nhưng sẽ làm mất điểm trong mắt nhà tuyển dụng. Sau đây là 10 lỗi cần tránh khi phỏng vấn xin việc mà bạn có thể mắc phải.

1/ Than phiền về công ty cũ

Đây là một trong những điều tối kị. Việc than phiền sẽ khiến người khác nghĩ rằng bạn chỉ tập trung vào mặt tiêu cực của vấn đề và nếu bạn không hài lòng với công ty của họ, bạn cũng sẽ có thái độ như vậy. Và như vậy sẽ rất mạo hiểm khi hình ảnh, thương hiệu của công ty có thể bị ảnh hưởng.

Nếu được hỏi về việc vì sao bạn rời bỏ công việc cũ, hãy tập trung câu trả lời của mình liên quan đến công việc và không để cảm xúc hay các việc cá nhân là nguyên nhân chính. Và bạn cũng nên cẩn thận về những thông tin mà mình chia sẻ trên mạng, đó cũng là một kênh để nhà tuyển dụng hiểu thêm về con người bạn.

Đọc thêm: Cách trả lời các câu hỏi phỏng vấn thường gặp

2/ Quên mất mình đang ứng tuyển cho công ty nào, vị trí gì

Nhà tuyển dụng sẽ cảm thấy rằng bạn thiếu tôn trọng họ nếu bạn nhận được cuộc gọi mời phỏng vấn nhưng lại không hề nhớ họ là ai và bạn đã ứng tuyển cho vị trí gì. Càng tệ hơn, nếu điều này xảy ra tại buổi phỏng vấn vì điều đó chứng tỏ bạn không có hứng thú, đam mê với vị trí ứng tuyển cũng như sự chuẩn bị trước cho công ty.

Nếu bạn là người hay quên? Hãy tạo một file hoặc viết ra sổ để ghi lại tất cả những công ty, vị trí bạn đã ứng tuyển. Và khi nhà tuyển dụng gọi đến, bạn có thể mở sổ hay file ra ngay để được gợi nhớ và không gọi nhầm tên.

3/ Nhảy việc thường xuyên

Bạn có thể mất điểm từ trước khi gặp nhà tuyển dụng nếu trong CV của bạn liệt kê quá nhiều kinh nghiệm, nhưng mỗi nơi làm việc (công việc chính thức) chỉ vài tháng. Nhà tuyển dụng có thể đánh giá bạn không có đủ kinh nghiệm, thiếu kiên nhẫn, không có định hướng rõ ràng, hoặc không suy nghĩ kỹ càng khi nhận lời làm việc.

Hãy suy nghĩ kỹ trước khi quyết định nghỉ việc và nhận công việc mới. Chỉ liệt kê những kinh nghiệm có liên quan đến vị trí mà bạn đang ứng tuyển hoặc ghi rõ lý do bạn nghỉ việc ở các công ty cũ.

4/ Rải đơn cho tất cả vị trí mà không đọc yêu cầu về kinh nghiệm

Để thu hút nhiều ứng viên hơn, các nhà tuyển dụng hoặc trang web đăng tuyển thường sử dụng các hình thức ứng tuyển dễ dàng hơn, nhanh chóng hơn cho ứng viên. Nhưng điều này không có nghĩa rằng bạn có thể nộp hồ sơ tùy tiện.

Bạn không nên ứng tuyển vào vị trí mà bạn không thể đáp ứng yêu cầu nhà tuyển dụng đưa ra. Hãy thuyết phục nhà tuyển dụng, ít nhất là bằng kinh nghiệm liên quan hoặc lý do vì sao bạn mong muốn tuyển vị trí này.

Nếu không, nhà tuyển dụng cũng sẽ cho rằng bạn đang rải đơn mà không thực sự quan tâm đến vị trí. Chẳng những bạn đang làm mất điểm với nhà tuyển dụng mà bạn cũng đang lãng phí thời gian của bản thân vì khả năng bạn nhận phản hồi tích cực từ những đơn ứng tuyển đó là bằng 0.

5/ Đặt vấn đề lương và phúc lợi quá sớm

Hãy để nhà tuyển dụng là người chủ động đề cập đến vấn đề này. Nếu đến cuối buổi, bạn vẫn chưa thấy nhà tuyển dụng đề cập đến vấn đề này, hãy tìm cách hỏi để biết rằng bạn có được nhà tuyển dụng chọn hay chưa trước. Nếu bạn nghĩ rằng mình có cơ hội được tuyển, bạn có thể bắt đầu hỏi rằng khi nào thì có thể thảo luận vấn đề lương và phúc lợi.

6/ Đến muộn phỏng vấn

Đây cũng là một trong những lỗi cần tránh khi phỏng vấn xin việc mà nhiều người thường mắc phải. Hãy hạn chế việc đến trễ, lên kế hoạch thời gian, đường đi kỹ càng trước buổi phỏng vấn. Nếu bạn gặp tình huống bất ngờ, hãy báo cho nhà tuyển dụng càng sớm càng tốt để họ nắm thông tin và thay đổi kế hoạch linh hoạt hơn.

Đọc thêm: Làm thế nào khi đến muộn phỏng vấn?

7/ Dùng từ ngữ chuyên môn mà không thật sự hiểu mình đang nói gì

Nếu bạn không biết rõ các từ ngữ chuyên môn, đừng dùng chúng. Vì bạn có thể hiểu sai ý hoặc khi hỏi sâu hơn, nhà tuyển dụng sẽ bắt ngay được lỗi của bạn. Hãy nói về những gì bạn biết, kinh nghiệm bạn thực sự làm. Thành thật thừa nhận những gì mình không biết hoặc hỏi lại nhà tuyển dụng để chắc rằng bạn đang hiểu đúng ý họ.

8/ Nói quá nhiều

Phỏng vấn là cuộc trao đổi giữa hai bên để nhà tuyển dụng hiểu bạn và cũng là để bạn hiểu nhà tuyển dụng hơn. Bạn cần thể hiện mình nhưng đó không phải là màn độc diễn của bạn; hãy lắng nghe những chia sẻ của nhà tuyển dụng. Thứ nhất, để hiểu rõ được ý của nhà tuyển dụng trong các câu hỏi và trả lời chính xác hơn. Thứ hai, để nhà tuyển dụng chia sẻ về vị trí, các vấn đề công ty gặp phải để bạn hiểu rõ hơn về họ và công việc mà bạn đang ứng tuyển.

9/ Nói dối

Một khi bạn đã nói dối, bạn cần phải liên tục che đậy điều đó. Nếu nhà tuyển dụng cảm thấy mập mờ hoặc phát hiện bạn đang nói dối, bạn sẽ làm mất niềm tin ở họ. Một nhân viên không trung thực sẽ không bao giờ là lựa chọn hàng đầu của các nhà tuyển dụng.

10/ Thiếu chủ động

Khiêm tốn là điều tốt nhưng quá khiêm tốn lại chính là điều cần tránh khi phỏng vấn xin việc.

Việc bạn quá thiếu chủ động có thể làm nhà tuyển dụng cảm thấy bạn thiếu nhiệt huyết. Sự chủ động của bạn trong buổi phỏng vấn thể hiện phần nào tính chủ động của bạn trong công việc, với các vấn đề cần giải quyết.

Bạn không nên kiêu căng và dùng thành tích của mình để phán xét hay chỉ trích người, nhưng bạn hoàn toàn có quyền tự hào và nhận công lao xứng đáng thuộc về mình. Hãy chủ động chia sẻ thông tin, hỏi khi bạn có thắc mắc, và trả lời đầy đủ những gì nhà tuyển dụng chứ không chỉ là “có” hoặc “không”.

Bonus: Những ngôn ngữ cơ thể, cử chỉ có thể làm bạn mất điểm trong mắt nhà tuyển dụng

Đây là một trong những lỗi cần tránh khi phỏng vấn xin việc mà bạn nên ý thức và luyện tập để không mắc phải. Hãy cùng xem video về quy tắc ứng xử phỏng vấn này để biết thêm nhé.

Những lỗi cần tránh khi phỏng vấn xin việc có thể bắt đầu từ trước khi bạn gặp được nhà tuyển dụng. Ở mỗi giai đoạn từ nộp đơn, nói chuyện qua điện thoại và phỏng vấn trực tiếp, nhà tuyển dụng sẽ lại tìm hiểu thêm 1 chút về con người bạn. Chính vì vậy hãy có kế hoạch rõ ràng từ khi bạn bắt tay vào tìm kiếm việc làm mới và chắc rằng nhà tuyển dụng có thể hiểu đúng về con người và năng lực của bạn.

Bạn vẫn chưa biết cơ hội việc làm nào dành cho mình?
👍 Follow Reeracoen Vietnam HR Facebook và Reeracoen Vietnam LinkedIn của Reeracoen Vietnam để được cập nhật công việc hấp dẫn mỗi tuần.
🌏 Tham khảo website www.reeracoen.com.vn để tìm kiếm sâu hơn những cơ hội mới cho bản thân.