NÊN LÀM GÌ NẾU BẠN VỪA CÓ MỘT BUỔI PHỎNG VẤN KHÔNG TỐT?

Interview TipsApril 25, 2019 17:19

Lam gi khi phong van khong tot

Bạn vừa bước ra khỏi cửa công ty nhưng lại nhận ra rằng mình vừa trải qua một buổi phỏng vấn không tốt khi không thể thể hiện được hết năng lực của bản thân. Liệu rằng có cách nào để cứu vãn tình thế này không? Đừng để bản thân trong tình trạng lo lắng trong nhiều ngày sau đó, hãy tham khảo các gợi ý dưới đây của Reeracoen.

♦️ Giữ bình tĩnh

Một buổi phỏng vấn tồi tệ có thể khiến bạn cảm thấy buồn bực và tức tối. Hãy dành cho bản thân một chút thời gian tầm 10 phút để cân nhắc lại trải nghiệm vừa rồi, nhưng đừng đắm chìm vào đó quá lâu. Chúng ta thường có xu hướng lưu trữ các suy nghĩ tiêu cực và suy diễn khiến cho vấn đề trầm trọng hơn thực tế. Vì vậy hãy giữ bình tĩnh, và giải thoát bản thân khỏi những suy nghĩ tiêu cực này, bạn vẫn còn nhiều cơ hội khác.

♦️ Rút ra bài học

Khi bạn dành thời gian xem xét lại buổi phỏng vấn, hãy xác định những lỗi mình vừa mắc phải để rút ra kinh nghiệm. Liệu rằng buổi phỏng vấn không tốt vì bạn đã dến muộn? hay bạn không trả lời được câu hỏi của nhà tuyển dụng? Bạn không thể hiện được hết sự nhiệt huyết và độ phù hợp với công việc? Bạn cần xác định được đúng vấn đề bạn đã gặp phải trong buổi phỏng vấn để có thể tìm ra cách giải quyết vấn đề cho vị trí lần này cũng như chuẩn bị cho các buổi phỏng vấn khác trong tương lai.

♦️ Tìm cách sửa sai

Ai cũng từng mắc phải lỗi trong buổi phỏng vấn, nhưng bạn cũng đừng nên từ bỏ vội. Dù rằng không thể chắc chắn giúp bạn có được cơ hội thứ hai, nhưng việc gửi email cảm ơn sau buổi phỏng vấn kèm theo lời giải thích là một cách giúp bạn sửa sai.

Chẳng hạn như, sức khỏe vào ngày phỏng vấn của bạn không tốt, bạn có thể gửi thư cảm ơn và giải thích về tình trạng của mình có thể đã ảnh hưởng đến việc bạn không thể thệ hiện được hết về năng lực cũng như hứng thú cho công việc. Sau đó, hãy ngỏ ý hỏi liệu bạn có thể có một cơ hội gặp mặt lần thứ hai hay không. Và biết đâu được, nhà tuyển dụng có thể bị ấn tưởng bởi sự chủ động và tôn trọng nỗ lực muốn xoay chuyển tình thế của bạn.

Khi viết thư cảm ơn, đừng giải thích một cách thái quá và hãy đảm bảo bạn có các ý sau:

- Giải thích ngắn gọn về lỗi bạn đã mắc phải

- Nhấn mạnh sự hứng thú của bạn với công việc. Bạn cũng có thể nhắc tới các kỹ năng cụ thể mà bạn có thể vận dụng khi làm ở vị trí này.

- Đề nghị buổi gặp mặt thứ hai hoặc hỏi về tính khả thi của một cuộc trao đổi qua điện thoại.

- Nhắc lại thông tin người tham khảo. Những lời nhận xét tốt từ công ty cũ có thể giúp cho nhà tuyển dụng đánh giá lại tình huống xảy ra trước đây và biết được đây không phải là việc xảy ra thường xuyên và nhìn nhận lại năng lực của bạn.

♦️ Chuẩn bị cho lần tiếp theo

Kể cả khi bạn không thể cứu vãn được tình thế lần này, bạn vẫn có thể rút được kinh nghiệm để chuẩn bị kỹ càng hơn cho các buổi phỏng vấn tiếp theo. Đừng để tâm trạng không tốt kéo dài và ảnh hưởng tới các cơ hội khác. Hãy vực lại tinh thần, giữ thái độ tích cực và nhớ đừng phạm phải các lỗi đã mắc phải trong các buổi phỏng vấn tiếp theo.

LN - Reeracoen