Điều bạn cần biết về đàm phán lương

Key to sucessAugust 24, 2020 13:33

dam-phan-luong

Đàm phán nói chung và đàm phán lương nói riêng là một trong những kĩ năng cần thiết khi làm việc. Nếu bạn không phải là người giỏi trong việc đàm phán, hãy xem các kỹ thuật đàm phán lương cơ bản sau và có những chuẩn bị và rèn luyện.

Những điều cần xác định trước khi đàm phán lương

Để đàm phán được hiệu quả, bạn cần chuẩn bị cho mình các thông tin liên quan đến cuộc đàm phán. Và một trong những khó khăn nhất ở giai đoạn chuẩn bị này đó chính là xác định mức lương mà bạn cần đàm phán.

Bạn cần gì và bao nhiêu?

Đầu tiên, bạn cần liệt kê ra các nhu cầu của bản thân. Trong sinh hoạt hằng ngày của bạn và những người thân (người phụ thuộc), những chi phí nào là bắt buộc, nhất định phải được chi trả, ví dụ như tiền nhà, điện, nước, thức ăn,... Số tiền cho những chi phí này sẽ là mức lương tối thiểu mà bạn có thể chấp nhận.
Khi đã xác định mức lương này, bạn có thể tính đến những khoảng khác ví dụ như tiền học thêm, tiền xã giao,… Đây có thể tạm gọi là mức để bạn cảm thấy hài lòng.

Cuối cùng, ngoài việc xác định bao nhiêu là cần và đủ cho những nhu cầu của mình, hãy tự hỏi ưu tiên lớn nhất của bạn khi tìm kiếm công việc mới là gì. Ngoài mức lương thì các yếu tố như kinh nghiệm làm việc, được làm công việc yêu thích, khả năng thăng tiến,… cũng có thể thỏa mãn nhu cầu phát triển của bạn.

Giá trị của bạn là gì?

Bước kế tiếp trong chuẩn bị cho buổi đàm phán lương đó là đánh giá năng lực bản thân. Khả năng đáp ứng công việc sẽ là một phần quyết định cho mức lương mà bạn có thể được nhận. Câu hỏi cần đặt ra là bạn có thể giúp được gì cho công ty và bạn có gì để chứng minh những điều đó.

Một số tiêu chí để đánh giá năng lực của bạn bao gồm: học vấn, số năm kinh nghiệm trong ngành, bằng cấp chứng chỉ, khả năng chuyên môn, các kỹ năng, thành tích, những điều bạn có thể cam kết để giúp công ty phát triển.

Xem thêm:

Trong trường hợp đàm phán tăng lương, bạn cũng có thể dùng các dẫn chứng là những thành tích, giải thưởng, lời khen, ghi nhận, bảng đánh giá năng lực bạn nhận được để làm dẫn chứng cho năng lực của mình.

Mặt bằng chung trên thị trường có thể trả cho vị trí của bạn bao nhiêu?

Thông tin này sẽ giúp cho bạn có cơ sở để đưa ra con số cụ thể khi đàm phán lương. Hãy nghiên cứu mức lương trung bình trên thị trường cho vị trí này là bao nhiêu. Cụ thể hơn là ở khu vực bạn làm, với trình độ học vấn và số năm kinh nghiệm như bạn, vị trí sẽ được trả khoảng bao nhiêu. Nguồn để bạn tìm kiếm những thông tin này có thể là các báo cáo thị trường lao động, tin tức, hay từ những chuyên viên tuyển dụng mà bạn quen biết (headhunter).

Mức lương dựa trên nhu cầu của bạn chỉ là một thước đo cho chính bạn. Còn đối với nhà tuyển dụng, con số này chỉ mang tính cá nhân, không có ý nghĩa nhiều với họ. Trong khi đó, với mức chung của thị trường sẽ cho nhà tuyển dụng biết được rằng những người có năng lực tương tự bạn đang được trả bao nhiêu, là thước đo để xác định năng lực của bạn có tương xứng với mức lương được đàm phán hay không.

Các lưu ý và kỹ thuật đàm phán lương cơ bản

Khi đã chuẩn bị những thông tin xác định mức lương cho bản thân, bạn sẽ bước vào giai đoạn chính đó là rèn luyện kỹ năng đàm phán. Sau đây sẽ là một số lưu ý và kỹ thuật đàm phán lương cơ bản.

Chuẩn bị tinh thần và câu trả lời cho rất nhiều câu hỏi từ nhà tuyển dụng

Nhà tuyển dụng sẽ đặt ra cho bạn rất nhiều câu hỏi như: Ngân sách cho vị trí này là… Bạn cảm thấy thế nào? Vì sao bạn cho rằng mình xứng đáng với mức lương này? Bạn còn ứng tuyển cho bao nhiêu công ty nữa?

Điều quan trọng nhất đó chính là trả lời sự thật, không nên nói quá những gì mà bạn có thể đáp ứng. Ví dụ, nếu được hỏi về mức lương hiện tại, và mức lương đó thấp hơn rất nhiều so với mức lương bạn mong muốn hãy trả lời mức lương trọn gói gồm lương, thưởng, các phúc lợi khác, và chuyển sang chủ đề về những khả năng bạn có thể làm, có thể học và cam kết chất lượng với công ty, mức lương thị trường đang trả cho vị trí bạn đàm phán là bao nhiêu.

Đàm phán lương vào thời điểm phù hợp

Đừng vội vàng nhắc đến lương khi buổi phỏng vấn chỉ mới bắt đầu. Hãy để nhà tuyển dụng đề cập đến việc thảo luận lương và phúc lợi trước. Tuy nhiên, hãy nói ra mức lương bạn mong muốn trước khi nhà tuyển dụng đưa ra con số cụ thể. Nếu bạn chủ động nói trước, việc đàm phàn sẽ có xu hướng xoay quanh mức lương mà bạn đề ra, và ngược lại.

Khi mong muốn được tăng lương, việc chọn thời điểm cũng rất quan trọng. Các công ty thường có những quyết định về chính sách, ngân sách lương thưởng vào một vài thời điểm trong năm. Hãy hỏi thăm bộ phận nhân sự công ty của bạn để biết điều này. Hoặc khi bạn vừa hoàn thành một công việc vượt mức mong đợi, mang lại kết quả tốt cho công ty cũng là thời điểm thích hợp để bạn nêu đề nghị này. Ngoài ra khoảng thời gian thứ 5 hoặc thứ 6 trong tuần cũng là thời điểm phù hợp để bạn đàm phán lương, vì lúc này các thông tin dễ dàng được chấp nhận hơn thời gian bận rộn đầu tuần.

Linh hoạt trong đàm phán

Trước khi ra một mức lương cụ thể, hãy nắm rõ hết các phúc lợi kèm theo, nội dung cũng như những khó khăn trong công việc. Có thể mức lương không được như mong muốn nhưng bạn vẫn có thể đàm phán để có những lợi ích khác như làm việc theo thời gian linh hoạt, công ty hỗ trợ cho bạn các khóa học nâng cao chuyên môn, nhiều ngày nghỉ phép,…

Việc đặt ra các giới hạn để biết khi nào mình có thể chấp nhận đàm phán hoặc không là quan trọng bạn cũng nên linh hoạt với các điều kiện thêm bớt để có thể đạt được điều mình muốn.  

Đưa ra mức lương cụ thể

Bạn nên sử dụng một con số cụ thể ví dụ như 18,600,000 đồng thay vì 18,000,000 triệu đồng hay một mức chung chung từ 17,000,000 đến 19,000,000. Điều này thể hiện rằng bạn đã nghiên cứu và chuẩn bị kĩ. Khoảng lương nên sử dụng khi bạn đang muốn đàm phán về mức lương trọn gói có các phúc lợi kèm theo. Hãy bắt đầu đàm phán với mức cao nhất trong khoảng lương bạn cảm thấy hài lòng và giảm dần thay vì bắt đầu ngay với mức tối thiểu cần cho chi phí sinh hoạt của bạn.

Sẵn sàng để từ bỏ

Nếu đàm phán không thành công, hãy tìm công việc khác phù hợp hơn. Đừng cố gắng khi bạn cảm thấy không hài lòng với những gì nhận được. Nhưng từ chối sẽ làm cánh cửa cơ hội với nhà tuyển dụng đó hẹp dần. Nếu vị trí đó đang thiếu nguồn cung nhân lực, họ có thể sẽ cân nhắc lại đề nghị của bạn nhưng nếu đó là vị trí mang tính cạnh tranh cao giữa các ứng viên, nhà tuyển dụng sẽ tiếp tục tìm đến các ứng viên khác. Trước khi từ chối, bạn có thể xin thêm thời gian để suy nghĩ về lời đề nghị từ phía công ty.

Giữ thái độ tích cực

Thể hiện sự tự tin khi đàm phán sẽ giúp bạn dễ thuyết phục đối phương tin tưởng vào lập luận của bạn hơn. Kiên trì cũng là điều cần thiết vì quá trình đàm phán thường sẽ kéo dài, thông qua quyết định của nhiều người. Khoảng thời gian này cũng có thể làm bạn nôn nóng hơn, hãy giữ bình tĩnh để được lắng nghe và chủ động lắng nghe, cân nhắc, và tìm những lý luận phù hợp để phản biện.

Tìm hiểu nhu cầu, mong ước, những ưu tiên mà nhà tuyển dụng đang có để đàm phán tốt hơn bằng cách đặt các câu hỏi mở như họ thấy thế nào về năng lực và mong muốn của bạn. Nếu không đồng ý với mong muốn của bạn, họ có đề nghị thế nào. Hiểu được những hạn chế và khó khăn của công ty sẽ giúp bạn biết được nên thuyết phục công ty như thế nào, bạn có khả năng gì để giải quyết cho những vấn đề của họ. Nếu đàm phán không thành công, bạn vẫn để lại ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng.

Để có được công việc với mức lương mong muốn, đàm phán lương là một việc cần thiết và một quy trình hiển nhiên trong con đường phát triển sự nghiệp của bạn. Đầu tiên hãy xác định mức lương mong muốn của bạn, chuẩn bị tinh thần cho cuộc thảo luận kéo dài. Sau đó, chọn thời điểm phù hợp và linh hoạt trong lúc đàm phán để cả hai bên cùng có lợi.

Nếu bạn đang tìm kiếm cơ hội việc làm mới và cần tư vấn, hãy để Reeracoen hỗ trợ bạn.

💁‍♀ Tư vấn viên của Reeracoen luôn sẵn sàng để tìm kiếm, giới thiệu, và tư vấn những vị trí phù hợp với hồ sơ của bạn.
🌏 Tất cả thông tin tuyển dụng mới nhất trong nhiều ngành nghề từ Reeracoen Vietnam được cập nhật thường xuyên tại www.reeracoen.com.vn.
👍 Hãy follow Reeracoen Vietnam HR Facebook và Reeracoen Vietnam LinkedIn để biết các công việc hấp dẫn trong tuần.