Cấu Trúc Đăng Tin Tuyển Dụng Hiệu Quả

Recruitment BlogMarch 03, 2020 18:04

dang-tin-tuyen-dung-hieu-qua

Bạn muốn đăng tin tuyển dụng nhưng không biết phải bắt đầu từ đâu và làm thế nào để bài tuyển dụng của mình thêm thu hút? Để có một bài đăng tin tuyển dụng hiệu quả, trước tiên bạn cần có đầy đủ thông tin. Sau đây là một số nội dung cần có trong bài tuyển dụng cũng như những lưu ý và cách chọn kênh tuyển dụng để bài đăng của bạn được nhiều người biết đến hơn.

“Công thức” cho bài đăng tin tuyển dụng hiệu quả

1.    Tiêu đề nổi bật

Tên vị trí + đặc điểm 1 + đặc điểm 2 [+ đặc điểm 3]

Tên vị trí đầy đủ và kèm theo chữ viết tắt, từ khóa (nếu có) sẽ giúp tối ưu bài đăng trong các công cụ tìm kiếm. Vài từ miêu tả ngắn gọn về các đặc điểm nổi bật như lĩnh vực ngành nghề, địa điểm làm việc, đãi ngộ, các kỹ năng… cũng sẽ góp phần tạo nên tiêu đề thu hút.

Việc để tên vị trí và miêu tả bằng tiếng Việt hay tiếng Anh sẽ tùy vào yêu cầu ngôn ngữ của vị trí, cũng như ngành nghề. Ví dụ, nếu vị trí đó yêu cầu tiếng Nhật, không yêu cầu tiếng Anh, bạn nên để tiếng Việt; nếu như vị trí đó liên quan đến IT hay những lĩnh vực mới phát triển gần đây chưa có từ tiếng Việt thống nhất, bạn có thể sử dụng tiếng Anh.

dang-tin-tuyen-dung-hieu-qua-2

2.    Phần mở đầu lôi cuốn (không bắt buộc)

Hãy tóm tắt trong khoảng 50 từ về 3-5 yếu tố mà ứng viên có thể cảm thấy đặc biệt nhất về vị trí. Ngoài ra bạn cũng có thể cung cấp một số thông tin thú vị, hữu ích để họ đừng lướt qua khỏi bài viết của bạn. Hãy tìm hiểu và nêu lên vấn đề mà ứng viên của bạn quan tâm, trăn trở. Tiếp theo, hãy cho họ biết cách để giải quyết những vấn đề này, và sơ lược về nội dung bài đăng của bạn.

3.    Giới thiệu công ty

Phần này bao gồm lịch sử/công ty đã thành lập bao lâu, lĩnh vực hoạt động, khách hàng, sản phẩm nổi bật, môi trường làm việc, văn hóa công ty, địa điểm làm việc, văn phòng,… Bạn không phải liệt kê tất cả, hãy làm nổi bật 1-2 ý chính liên quan đến vị trí và để ứng viên của bạn nghiên cứu thêm sau đó nếu họ thật sự hứng thú với công ty.

4.    Mô tả công việc chính xác

Tùy kênh mà bạn chọn đăng bài thì độ chi tiết của phần này sẽ khác nhau.

Thông thường việc tóm gọn 3-7 nhiệm vụ chính (tương đương số lượng ghi nhớ của bộ nhớ ngắn hạn của não người) sẽ cho bài đăng độ dài vừa đủ. Những nhiệm vụ chính của công việc cũng cần thể hiện sự liên quan đến các mục tiêu kinh doanh để ứng viên có thể dễ dàng hình dung vị trí này sẽ đóng vai trò như thế nào trong công ty, dự án,…

Mỗi nhiệm vụ chính tương ứng với 1 đoạn (gồm 1-2 câu văn ngắn), bắt đầu bằng động từ, kèm theo vài tính từ để miêu tả chi tiết hơn về công việc. Bạn có thể sử dụng gạch đầu dòng cho mỗi đoạn, nhưng quá nhiều gạch đầu dòng với quá ít thông tin có thể khiến cho bài đăng của bạn trông rời rạc.

5.    Yêu cầu cho công việc cụ thể

Cũng tương tự như ở phần mô tả công việc, bạn nên tập trung vào một vài yêu cầu quan trọng và đặc biệt nhất đối với vị trí tuyển dụng. Bạn cũng nên nêu những yêu cầu không bắt buộc nhưng sẽ cần thiết cho công việc để ứng viên có thể có thêm thông tin và hình dung được rõ hơn về công việc sẽ phải làm. Các yêu cầu có thể bao gồm: kinh nghiệm làm việc, kỹ năng cứng, kỹ năng mềm, bằng cấp, chứng chỉ, tính cách, thái độ,… Tránh dùng những từ viết tắt mà không có giải thích trước đó khi nói về kinh nghiệm hay công việc nếu những từ viết tắt này chỉ thường dùng trong công ty của bạn hoặc dễ gây nhầm lẫn.

6.    Chính sách phúc lợi hấp dẫn

Đây chính là phần ứng viên quan tâm nhất, thuyết phục ứng viên của bạn vì sao họ nên ứng tuyển. Bạn không nhất thiết và đôi khi không thể liệt kê ra tất cả nên hãy lựa chọn 3-5 yếu tố thu hút nhất. Các chính sách có thể bao gồm mức lương, thưởng, trợ cấp, bảo hiểm, chương trình training, cơ hội thăng tiến, nâng cao học vấn, chế độ chăm sóc sức khỏe, các ưu đãi, du lịch, tiệc công ty,…

Nếu như công ty bạn đã có các chế độ đãi ngộ về lương thưởng tốt, việc thu hút ứng viên có thể dễ dàng hơn. Nhưng bạn cũng đừng quên những yếu tố chính sách khác có thể giúp bài đăng tin tuyển dụng hiệu quả và thuyết phục hơn.

Yếu tố di chuyển đến nơi làm việc như thời gian di chuyển, công ty có xe đưa đón hay không, trợ cấp đi lại cũng ảnh hưởng rất nhiều đến quyết định ứng tuyển. Ứng viên thường sẽ cân nhắc kỹ hơn về các lựa chọn nếu giảm được thời gian đi lại của họ hơn 30 phút.

Tương tự, thời gian làm việc cũng là yếu tố quan trọng. Nếu công ty bạn có thời gian làm việc linh hoạt, có nhiều ngày nghỉ phép sẽ là điểm cộng lớn đối với những ứng viên là sinh viên, đang học cao học, học thêm, hoặc đã lập gia đình.

Bên cạnh đó, cơ hội được đào tạo, đặc biệt cơ hội đào tạo/làm việc tại nước ngoài, hay những người đồng nghiệp thú vị, có chuyên môn cao, ảnh hưởng trong lĩnh vực nào đó cũng là một yếu tố hấp dẫn.

7.    Quy trình rõ ràng

Cuối cùng, đừng quên cho ứng viên biết họ phải làm gì để có thể ứng tuyển.

Những thông tin cơ bản bạn cần có bao gồm hình thức nộp (qua email, trang tin tuyển dụng, trực tiếp đến văn phòng), người liên lạc (email, số điện thoại), thời hạn, bộ hồ sơ gồm những gì (CV, cover letter, portfolio,…). Trong trường hợp nộp qua email, bạn cũng có thể quy định một mẫu tiêu đề mail để dễ quản lý nguồn hồ sơ, đo lường hiệu quả của chiến dịch tuyển dụng.

Một số người tìm việc mong muốn một công việc có thể bắt đầu ngay nhưng một số khác lại mong muốn có thời gian để bàn giao công việc, nghỉ ngơi. Vì vậy khoảng thời gian của toàn bộ quá trình ứng tuyển, có những bước nào tiếp theo sau khi nộp đơn, và kết quả sẽ được thông báo như thế nào cũng có thể làm bài đăng tin tuyển dụng hiệu quả hơn, tạo động lực thúc đẩy ứng viên nộp đơn.

Một số lời khuyên khác:

  • Phản hồi cho những hồ sơ này cũng là một cách để thể hiện với ứng viên về công ty và thuyết phục ứng viên tiếp tục ứng tuyển cho vị trí. Văn phong, thái độ, tốc độ phản hồi sẽ cho ứng viên hình dung một phần nào về văn hóa, tác phong làm việc tại công ty của bạn
  • Tất cả các phần, đặc biệt là từ 1 đến 5, nên chứa các từ khóa liên quan để bài đăng của bạn dễ dàng xuất hiện trên các công cụ tìm kiếm, và ứng viên của bạn cũng sẽ dễ dàng đọc lướt qua các mục, nhưng đừng·lạm dụng vì chúng có thể khiến cho bài viết của bạn bị rối và mất tự nhiên
  • Nếu bạn muốn quảng cáo cho nhiều vị trí tuyển dụng trong cùng một bài, hãy rút gọn phần mô tả và yêu cầu công việc với 1-3 ý chính, để đường link đến nơi mà ứng viên có thể tìm hiểu sâu hơn về mỗi vị trí, và viết chung phần phúc lợi (nếu có thể)
    dang-tin-tuyen-dung-hieu-qua-4
  • Sử dụng các hashtag chứa từ khóa liên quan để dễ quản lý và tối ưu tìm kiếm (địa điểm, ngành nghề, bằng cấp, chứng chỉ, cấp bậc, kỹ năng)
  • Màu sắc, hình ảnh, in đậm, nghiêng, kích thước chữ, cách đoạn dòng là những cách để bạn tạo ra format dễ nhìn, làm nổi bật ý chính trong bài đăng tuyển dụng của mình

Các lưu ý cho từng trang tin tuyển dụng

Trên các trang tuyển dụng

Bạn sẽ phải điền theo form mẫu có sẵn và có một số mặt hạn chế về chỉnh sửa định dạng. Ngoại trừ tiêu đề, địa điểm và mức lương, các phần khác thường sẽ không hiện lên ở kết quả tìm kiếm, chính vì vậy tiêu đề hấp dẫn chính là chìa khóa cho bài đăng tin tuyển dụng hiệu quả ở những trang này.
Hãy đầu tư để có tiêu đề khác biệt và hấp dẫn, việc thêm các đặc điểm nổi bật gần như trở thành bắt buộc.

Phần giới thiệu công ty thường được mặc định giống nhau cho tất cả các vị trí nên bạn cần chọn lựa những yếu tố thu hút tất cả các đối tượng chứ không riêng một ngành nghề nào. Một số hình ảnh về hoạt động tại công ty, môi trường làm việc cũng sẽ tăng thêm độ tin cậy đối với công ty của bạn. Về mô tả công việc, yêu cầu, chính sách và phúc lợi, bạn nên nêu tất cả nhưng vẫn ưu tiên các thông tin quan trọng và hấp dẫn nhất lên đầu.

Thường sẽ không có phần quy trình tuyển dụng nên hãy phản hồi email để ứng viên biết được rằng đơn của họ đã ứng tuyển thành công, được xử lý như thế nào, và các bước tiếp theo là gì.

Trên website

Trên chính website của doanh nghiệp mình, bạn có thể thoải mái hơn trong việc định dạng, chính vì vậy bạn có thể sáng tạo tùy thích dựa trên công thức chung ở trên. Nếu công ty bạn thuộc một tập đoàn lớn với nhiều chi nhánh, công ty con ở khắp nơi, và trang tuyển dụng được sử dụng chung cho cả tập đoàn thì một phần giới thiệu, tóm tắt về công ty và lĩnh vực hoạt động sẽ là cần thiết, tránh tình trạng nhầm lẫn giữa những cái tên giống nhau.

Trên LinkedIn

Bạn có thể sử dụng tài khoản cá nhân để đăng trên trang của mình nhưng có hạn chế về định dạng và số người xem được tin tuyển dụng này. Nếu bạn đăng tin tuyển dụng dưới tên doanh nghiệp, tin của bạn sẽ được nhiều người biết đến hơn, nhưng cũng tương tự như các trang tin tuyển dụng, bạn thường sẽ mất phí và có một định dạng nhất định bạn cần làm theo.

Trên mạng xã hội

Facebook vẫn là mạng xã hội lớn nhất hiện nay và cũng thường được sử dụng để đăng tin tuyển dụng. Các bài đăng vẫn còn bị hạn chế bởi định dạng và bài viết của bạn có thể sẽ bị lẫn vào với hàng nghìn bài đăng khác.

Chính vì vậy một bài viết hài hước, hoặc thật sự hữu ích, kèm theo hình ảnh bắt mắt sẽ gây được sự chú ý hơn. Dùng ngôi thứ 2 như “bạn”, “anh/chị”, thay cho “ứng viên” để bài viết mang tính cá nhân, tương tác. Ngoài tiêu đề hấp dẫn thì phần mở đầu bắt đầu bằng câu hỏi hoặc những câu chuyện thú vị sẽ là công cụ hiệu quả để giữ chân ứng viên và đọc tiếp bài post của bạn.

dang-tin-tuyen-dung-hieu-qua-3

Tùy đối tượng mà bạn hãy cân nhắc sử dụng giọng văn và hình ảnh thích hợp. Một bài viết ngắn dưới 300 từ sẽ vừa đủ để bạn thể hiện những thông tin cần thiết nhưng không quá dài dòng khiến ứng viên bỏ cuộc.

Các kênh tuyển dụng hiệu quả

Ngoài các kênh tuyển dụng nói trên, bạn còn có thể tận dụng các kênh tuyển dụng khác, và hình thức đăng tin cũng khác và có thể là không do bạn thực hiện. Đối với những trường hợp này, bạn cần lưu ý những gì?

Xem 8 kênh tuyển dụng hiệu quả bạn nên tận dụng

Có một số kênh tuyển dụng bạn không thể kiểm soát được bài đăng nhưng có thể nhờ các đơn vị liên quan đăng tin trên trang của họ như trường đại học, headhunter. Trong những trường hợp này, một bảng mô tả công việc chi tiết với những lưu ý cụ thể về các yếu tố ưu tiên sẽ giúp đối tác của bạn tìm kiếm ứng viên, thiết kế các bài đăng phù hợp hơn.

Ngoài ra, nếu doanh nghiệp bạn có cơ hội làm diễn giả tại các sự kiện tuyển dụng hay hội thảo chuyên ngành, thì đó chính là cơ hội tuyệt vời để bạn giới thiệu thương hiệu nhà tuyển dụng của mình và các vị trí mà công ty bạn đang cần. Bạn không cần phải đi sâu vào chi tiết công việc, nhưng bài nói của bạn sẽ truyền cảm hứng, gây dựng lòng tin của ứng viên đối với công ty, đánh giá chuyên môn, dịch vụ, sản phẩm, giá trị mà doanh nghiệp bạn mang lại cho xã hội. Bạn có thể để phần giới thiệu các vị trí tuyển dụng ở cuối bài nói của mình hoặc tìm cách lồng ghép phù hợp vào nội dung của chủ đề được thảo luận. Hãy để những ứng viên hứng thú với công ty bạn có thể tự do tìm hiểu thêm thông qua slides, brochure, leaflet, business card,… với thông tin về công ty và đường dẫn đến website, trang tuyển dụng.

Để đăng tin tuyển dụng hiệu quả, ngoài việc nắm rõ về vị trí, bạn cần hiểu rõ về tâm lý của ứng viên mà bạn đang tìm kiếm. Hiểu biết này sẽ giúp bạn dễ dàng tiếp cận với họ và tạo ra những bài đăng có sức thuyết phục, hướng đến đối tượng phù hợp. Hãy cho người tìm việc biết rõ về vị trí, công ty, quyền lợi họ sẽ được hưởng, và quy trình tuyển dụng một cách đầy đủ, chính xác. Làm nổi bật các thông tin thú vị, kèm theo những hình ảnh liên quan và bắt mắt cũng sẽ giúp tăng sự chú ý của ứng viên hơn.

Nếu doanh nghiệp của bạn đang tìm kiếm nhân tài mới cho công ty, hãy liên lạc với Reeracoen Việt Namcông ty tư vấn tuyển dụng có 17 chi nhánh tại 10 quốc gia châu Á!
Với kho ứng viên sẵn có để giới thiệu với bạn ngay lập tức, đội ngũ tư vấn viên nhiều năm kinh nghiệm của Reeracoen sẽ giúp bạn tìm kiếm được tài năng phù hợp với công ty.
Nhận tư vấn về dịch vụ tuyển dụng của Reeracoen