Quá Gắn Bó Với Công Việc Cũ? Đã Đến Lúc Bạn Học Cách Làm Quen Với Công Việc Mới

Job Hunting TipsJune 16, 2020 16:46

lam-quen-voi-cong-viec-moi

Khi làm một công việc quá lâu, người ta thường trở nên gắn bó, cảm thấy hài lòng với những điều quen thuộc. Và một công việc mới với nhiều khác biệt sẽ càng khiến mong muốn những điều quen thuộc trỗi dậy mạnh mẽ. Điều này sẽ không giúp ích, thậm chí gây cản trở việc làm quen với công việc mới, phát triển sự nghiệp của bạn.

Dấu hiệu bạn vẫn còn lưu luyến công việc cũ

1/ Không ngừng so sánh công việc mới với công việc cũ

Đôi khi sự so sánh của bạn chỉ nhằm mục đích đóng góp ý kiến, giúp công việc mới được cải thiện nhưng có thể khiến người khác hiểu nhầm. Việc so sánh có thể khiến những người tại công ty mới nghĩ rằng bạn không toàn tâm cho công việc mới.

2/ Không có hứng thú tìm hiểu những đồng nghiệp mới

Có thể bạn là người hướng nội, ít nói, nhưng không ai trong công ty mới biết bạn đủ lâu để hiểu điều này. Không trò chuyện cùng mọi người sẽ tạo cảm giác xa cách, thậm chí mọi người nghĩ rằng bạn kiêu căng (nếu bạn tiếp tục so sánh giữa hai công việc). Bạn không nhất thiết phải lấy lòng tất cả mọi người, nhưng cũng nên chủ động tìm hiểu. Biết đâu những mối quan hệ mới này sẽ hữu ích, hoặc trở nên thân thiết hơn, là động lực tinh thần trong công việc.

3/ Không quan tâm, hào hứng đến các dự án hoặc các hoạt động của công ty nói chung

Những điều mới mẻ có thể làm bạn choáng ngợp, nhưng việc đó cũng không nên ngăn cản bạn học hỏi về nơi mà bạn có thể sẽ gắn bó thời gian dài trong tương lai. 

4/ Thường xuyên theo dõi trang web và các hoạt động của công ty cũ trên mạng xã hội hay thông qua các đồng nghiệp cũ

Nếu là để tham khảo, nghiên cứu tình hình thị trường (bao gồm cả công ty cũ) thì việc này là bình thường. Tuy nhiên, bạn không nên thảo luận hay vướng vào những tin đồn tại công ty cũ. Nếu không giúp ích được gì cho công việc hiện tại của bạn, thì bạn nên bớt theo dõi vì thói quen này có thể khiến bạn nảy sinh cảm giác nuối tiếc, đứng núi này trông núi nọ.

5/ Xem tin giải trí, lướt mạng xã hội, hay nghe nhạc trong lúc làm khi vừa mới nhận việc

Đừng quá thoải mái ở khoảng thời gian này. Đây là những hành động để bạn lấy năng lượng làm việc nên sẽ khá đáng ngại nếu bạn đã cảm thấy mất tinh thần, cảm thấy mệt mỏi trong những ngày đầu tiên nhận việc.

Cách để làm quen với công việc mới

  • Nghỉ ngơi vài ngày trước khi nhận công việc mới để thư giãn và làm mới lại bản thân. Vừa nghỉ ở công ty cũ và đi làm ngay ở công ty mới có thể khiến bạn cảm thấy mệt mỏi và áp lực.
  • Chủ động và tận dụng mọi cơ hội để giao lưu với mọi người. Tìm hiểu ai làm gì, giỏi những gì. Ăn trưa, dành thời gian nghỉ ngơi của mình để trò chuyện cùng đồng nghiệp nào đó. Làm quen với những người đã làm việc lâu năm để họ giúp bạn hiểu thêm về những vấn đề, điều gì nên và không nên làm trong công ty.
  • Tham gia các dự án, hoạt động văn hóa, “ngoại khóa” phù hợp với mình để trau dồi kiến thức thêm cho bản thân, hiểu thêm về công ty.
  • Giữ thái độ trung lập với tất cả, đừng tham gia vào một “bè phái” nào, nói xấu ai. Nhóm bạn tham gia vào sẽ có tác động đến hình ảnh và hành vi của bạn. Là một người mới bạn chưa thể biết được tác động này sẽ là xấu hay tốt. 
  • Trao đổi một cách thoải mái, không rụt rè. Đừng sợ hãi những người xung quanh. Công ty tuyển bạn cũng có nghĩa rằng họ thấy được tiềm năng của bạn vì vậy hãy có niềm tin vào bản thân mình.
  • Đưa ra giải pháp cụ thể và giải thích sự lựa chọn của mình, thay vì nói rằng “công ty cũ của tôi làm cái này nhanh hơn, tốt hơn”.
  • Đề nghị giúp đỡ khi cần thiết. Đừng sợ hãi nếu bạn chưa quen và chưa thể làm những việc lớn, bạn cần bắt đầu thích nghi trước.
  • Xác định rõ những điều mà công ty kì vọng bạn đạt được và điều bạn muốn đạt được trong công việc. Trao đổi với sếp, đồng nghiệp, cấp dưới của bạn về những điều này để có thể thống nhất về những gì bạn cần làm, hạn chế những hiểu nhầm và bất ngờ xảy ra khi bạn còn đang làm quen với công việc mới.
  • Thực hiện dần những “hứa hẹn” của bạn với công ty trong buổi phỏng vấn. Hãy bắt đầu từ hoàn thành những việc nhỏ để cảm thấy tự tin hơn và xây dựng được lòng tin ở mọi người.
  • Bồi dưỡng những kỹ năng cần thiết để tăng sự tự tin vào khả năng hoàn thành công việc của bạn.
  • Lắng nghe và quan sát những người xung quanh. Mọi người trao đổi với nhau như thế nào, với bạn như thế nào, về những vấn đề gì? Thông qua những thông tin này bạn sẽ có cách ứng xử phù hợp, hòa nhập với mọi người.
  • Đặt các câu hỏi. Tìm hiểu kỹ, sắp xếp ý, thứ tự ưu tiên trước khi hỏi để có thể giải tỏa thắc mắc nhưng không làm phiền người khác.
  • Sắp xếp công việc khoa học và học cách hình thành những thói quen mới cho công việc. Thay đổi, khác biệt là không thể tránh khỏi khi bắt đầu một công việc mới, vì vậy hãy có kế hoạch để đón nhận những thử thách.
  • Đánh giá lại bản thân và nhờ người khác đánh giá sau 2,3 tháng làm việc để biết bạn có thật sự phù hợp với công việc. Có thể việc bạn so sánh công việc cũ và mới không phải vì bạn yêu thích công việc cũ hơn mà chỉ đơn giản là do bạn không hài lòng với công việc mới.

Khi quyết định chuyển và nhận được lời mời cho một công việc mới, có thể bạn cảm thấy rất hào hứng kèm theo một chút lo âu. Và khi mọi việc bắt đầu khác với những gì bạn tưởng tượng và áp lực của công việc mới xuất hiện, bạn lại nhớ về những ngày xưa. Có thể công việc cũ là một công việc trong mơ của bạn, nhưng bạn đã không còn ở đó nữa, vì vậy bạn nên thôi quan tâm để có thể tập trung phát triển mình ở vị trí mới.

Nếu bạn đang tìm kiếm cơ hội việc làm mới, hãy để Reeracoen hỗ trợ bạn.

💁‍♀ Tư vấn viên của Reeracoen luôn sẵn sàng để tìm kiếm, giới thiệu, và tư vấn những vị trí phù hợp với hồ sơ của bạn.
🌏 Tất cả thông tin tuyển dụng mới nhất trong nhiều ngành nghề từ Reeracoen Vietnam được cập nhật thường xuyên tại www.reeracoen.com.vn.
👍 Hãy follow Reeracoen Vietnam HR Facebook và Reeracoen Vietnam LinkedIn để biết các công việc hấp dẫn trong tuần.