Rèn Luyện Kỹ Năng Networking

Key to sucessSeptember 11, 2020 22:49

ky-nang-networking

Thường được nhắc đến như một kỹ năng quan trọng trong công việc, nhưng networking (xây dựng mối quan hệ) còn có thể giúp chúng ta nâng cao chất lượng cuộc sống của mình. Vậy làm thế nào để rèn luyện kỹ năng networking? Có phải networking chỉ dành cho những người hướng ngoại? 

Tại sao networking lại quan trọng?

Mỗi người có khả năng vượt trội, kiến thức chuyên sâu trong những lĩnh vực nhất định và ở trong những lĩnh vực còn lại, sẽ cần trợ giúp từ người khác. Càng quen biết nhiều người, chúng ta càng có khả năng phát triển bản thân trên nhiều phương diện thông qua góc nhìn của những người có chuyên môn, kinh nghiệm, nhận được sự trợ giúp khi cần thiết, làm phong phú vốn sống, và có cơ hội giúp đỡ những người xung quanh.

Có rất nhiều cách để cho đi và nhận lại trong networking, bằng cách trao đổi kiến thức hay thậm chí là trao đổi các mối quan hệ (giới thiệu người cần hỗ trợ với người có thể hỗ trợ). Ngoài cơ hội nghề nghiệp, kinh doanh, mỗi người còn có thể xây dựng network (những mối quan hệ) trong các lĩnh vực khác trong cuộc sống như chăm sóc sức khỏe, phong cách sống, chăm sóc con cái,…

Rèn luyện kỹ năng networking

Có cái nhìn đúng về networking

Đừng nghĩ rằng mục tiêu duy nhất khi networking là để tìm cơ hội kinh doanh, công việc hay người bạn có thể nhờ vả mỗi khi cần. Networking không chỉ đơn thuần là tạo kết nối mà còn có ý nghĩa xây dựng mối quan hệ, cần có sự trao đổi từ cả hai phía. Trong nhiều tình huống, đôi khi bạn cũng sẽ là người giúp đỡ cho network của mình.

Xây dựng mục tiêu

Trọng tâm của networking là xây dựng mối quan hệ thực sự, làm thế nào để làm quen với một người và có được sự tin tưởng của họ. Tuy nhiên, bạn cũng cần rõ ràng về mục đích có thể đạt được thông qua mỗi mối quan hệ để có cách tiếp cận phù hợp, tránh lãng phí công sức, thời gian của cả hai phía. Mục đích của bạn có thể được chia thành các mục tiêu nhỏ - được thực hiện theo từng giai đoạn và bao gồm những network khác nhau.

Tìm kiếm mối quan hệ

Xác định những người có thể giúp bạn với từng mục tiêu đã nêu ở trên. Những người này có thể đã nằm trong mối quan hệ có sẵn như gia đình, bạn bè, giáo viên, đồng nghiệp (cũ), cấp trên (cũ), nhưng cũng có thể là những người bạn chưa từng quen biết.

Để mở rộng kết nối, hãy hỏi những người đã quen biết, ai là những người tài năng nhất trong các mối quan hệ, lĩnh vực của họ mà bạn có thể gặp. Họ sẽ cho bạn những cái tên hoặc thậm chí là giúp bạn kết nối. Bạn cũng có thể chủ động tham gia các hội nhóm online, lớp học, hội thảo, họp nhóm, câu lạc bộ,… nơi mà đối tượng mà bạn đang tìm kiếm cũng sẽ tham gia.

Tiếp cận những người bạn muốn kết nối

  • Chủ động. Hãy mở rộng, bước ra khỏi vùng an toàn để gặp được những người cần gặp, không gói gọn trong lĩnh vực bạn quen thuộc. Bạn có thể ngạc nhiên khi biết rằng nhiều người luôn sẵn sàng để giúp đỡ người khác và rất dễ tiếp cận, chỉ cần bạn mở lời. Có rất nhiều cách để tiếp cận như thông qua email, gọi điện, hoặc gặp mặt trực tiếp.
  • Tìm ra điểm chung. Khi bạn có vẻ ngoài, cư xử, ăn nói, cách suy nghĩ, có những mối quan tâm giống với nhóm đối tượng bạn cần thu hút thì bạn dễ tiếp cận và có được sự lắng nghe của họ hơn. Một trong những cách đơn giản nhất để tạo ra điểm chung là ăn mặc phù hợp với sự kiện, hoàn cảnh. Bên cạnh đó, bạn còn cần kỹ năng lắng nghe và đặt câu hỏi để có thể tìm ra sở thích, mối bận tâm, mục tiêu, đam mê của người đối diện. Nếu bạn cảm thấy hứng thú với câu chuyện của họ, họ cũng sẽ cảm thấy bạn là một người thú vị hơn.
  • Tạo không khí tích cực. Cảm giác tích cực sẽ giúp một người có ấn tượng tốt hơn khi nhớ về bạn. Hãy đặt những câu hỏi mang tính xây dựng và tích cực như thành tích của họ, trải nghiệm đáng nhớ,… Nếu người đối diện đang nói về chủ đề mang tính tiêu cực, hãy tìm cách đổi sang chủ đề khác một cách khéo léo, thể hiện rằng bạn lắng nghe và sẵn sàng hỗ trợ về mặt tinh thần, và đặt một câu hỏi liên quan mà họ sẽ trả lời theo hướng tích cực hơn. Bạn cũng nên kết thúc buổi nói chuyện hoặc phần giới thiệu về bản thân bằng một câu hỏi dành cho người đối diện, nếu đó là câu hỏi hay, khiến họ thích thú trả lời sẽ giúp họ nhớ đến bạn nhiều hơn.
  • Thể hiện sự tôn trọng. Để có được sự quan tâm, hứng thú từ người khác, hãy thể hiện sự quan tâm và tôn trọng đến những vấn đề của họ. Hãy thể hiện sự tập trung lắng nghe người đối diện bằng cách nhìn vào mắt, gương mặt của họ, tránh nhìn đi nơi khác hoặc nhìn vào đồng hồ, điện thoại, gật đầu để thể hiện sự ghi nhận, nhắc lại một điều hoặc đặt câu hỏi liên quan đến nội dung mà đối phương nói. Trong trường hợp người đối diện đang bận rộn, hãy đi thẳng vào vấn đề, ví dụ như bạn đang thực hiện dự án X, có thể hỏi ý kiến của họ, hẹn gặp, hay nhờ họ giới thiệu người có thể giúp đỡ bạn hay không. Nếu họ từ chối, bạn vẫn nên giữ thái độ lịch sự, đừng cố gắng áp đặt những dụng ý của mình lên người đối diện.

Rút lui khỏi cuộc trò chuyện

Tại một buổi tiệc, bạn có thể lịch sự kết thúc cuộc trò chuyện bằng cách nói rằng bạn cần nói chuyện với ai đó khác, tham quan, hoặc làm một việc khác tại buổi tiệc. Nếu bạn chủ động hẹn gặp mặt để networking, hãy xác nhận rằng bạn đã hoàn thành mục tiêu của mình và cám ơn người đã đồng ý gặp bạn, như cảm ơn họ đã cho thêm thông tin về công ty bạn muốn ứng tuyển, bạn đã hiểu rõ mình cần những kĩ năng, kiến thức nào, và sẽ cố gắng luyện tập chuẩn bị cho phỏng vấn. Trong trường hợp bạn được hẹn gặp nhưng đã hết thời gian hoặc bạn cảm thấy cuộc gặp không hiệu quả, hãy rút lui và nói rằng bạn muốn trò chuyện thêm vào thời gian khác, giới thiệu một người có thể giúp đỡ vấn đề của họ, hoặc giải thích vì sao bạn cảm thấy cuộc gặp này không có kết quả.

Đánh giá chất lượng network

Network tốt nằm ở chất lượng của từng mối quan hệ chứ không phải số lượng mối quan hệ bạn có. Một số tiêu chí để biết rằng networking có hiệu quả hay không:

  • những người trong network có hiểu rõ về bạn (sở thích, điểm mạnh, mục tiêu của bạn không)?
  • họ có sẵn sàng hỗ trợ bạn không?
  • họ có thể giúp bạn đạt được mục tiêu của mình hay không?
  • bạn có thể đem lại lợi ích gì cho họ hay không?

Duy trì mối quan hệ

Sau khi gặp gỡ một người mới, hãy ghi chú lại những gì đã trao đổi, tính cách,... những gì có thể giúp bạn gợi nhớ về họ và cuộc trò chuyện với họ. Gửi lời cảm ơn, lời hẹn gặp mặt, hay tiếp tục cuộc trò chuyện mà bạn đang nói dang dở với họ qua email, tin nhắn. Tùy theo mức độ thân thiết và cần thiết, bạn có thể trao đổi thường xuyên (tháng, quý, năm) để liên tục cập nhật tình hình của nhau. Tìm những điểm chung và cùng tham gia những hoạt động này. Việc quan tâm và giúp đỡ người khác trong vấn đề của họ cũng là một cách tốt để duy trì mối quan hệ.

Khi hẹn gặp mặt, hãy có mục đích cụ thể (hỏi thăm tình hình giữa những người bạn cũ, cơ hội nghề nghiệp, cần tư vấn, hay bạn đang muốn giúp đỡ họ, giới thiệu họ với một người khác,…). Nếu có tình cờ gặp lại một người từng gặp nhưng lại quên tên, hãy giới thiệu tên bạn, nhắc người đó nhớ về bạn (giới thiệu bản thân, gặp nhau trong hoàn cảnh nào) và nhờ người đó nhắc lại tên của họ.

Trong trường hợp bạn được tiếp cận

Những trường hợp trên đều nói về việc networking khi bạn chủ động tiếp cận người khác để hoàn thành mục tiêu của mình. Nhưng ngược lại, khi được người khác tiếp cận, hãy lắng nghe câu chuyện để hiểu thêm về mục đích và vấn đề của họ, và cân nhắc xem bạn có giúp được họ không. Đó cũng là một cách để mở rộng và xây dựng các mối quan hệ.

Nếu bạn đang tìm kiếm cơ hội việc làm mới và cần tư vấn, hãy để Reeracoen hỗ trợ bạn.

💁‍♀ Tư vấn viên của Reeracoen luôn sẵn sàng để tìm kiếm, giới thiệu, và tư vấn những vị trí phù hợp với hồ sơ của bạn.
🌏 Tất cả thông tin tuyển dụng mới nhất trong nhiều ngành nghề từ Reeracoen Vietnam được cập nhật thường xuyên tại www.reeracoen.com.vn.
👍 Hãy follow Reeracoen Vietnam HR Facebook và Reeracoen Vietnam LinkedIn để biết các công việc hấp dẫn trong tuần.