Nội Dung Và Cách Trình Bày CV Ấn Tượng

Job Hunting TipsMay 20, 2019 16:12

cach-viet-cv-xin-viec-gay-an-tuong

CV là viết tắt của Curriculum Vitae, hồ sơ xin việc, một văn bản trình bày quá trình học vấn và làm việc của một người. Dựa trên giải thích này, chắc hẳn bạn cũng đã có thể hình dung phần nào mình phải viết gì trong CV rồi đúng không? Reeracoen sẽ điểm qua các thông tin cơ bản cần có và những cách làm CV của bạn trở nên nổi bật hơn trong mắt nhà tuyển dụng.

NỘI DUNG CẦN VIẾT TRONG CV XIN VIỆC

Thông tin cá nhân bắt buộc

  • Họ và tên (thật, đầy đủ, không viết tắt)
  • Địa chỉ (thành phó, khu vực đang sinh sống và làm việc)
  • Email, số điện thoại (phải là địa chỉ và số bạn thường xuyên sử dụng để tiện liên lạc với nhà tuyển dụng)

Tùy theo yêu cầu của nhà tuyển dụng, đôi khi bạn cũng cần liệt kê tuổi tác/năm sinh, giới tính, và hình ảnh của mình, đặc biệt là khi ứng tuyển cho các doanh nghiệp Nhật Bản hoặc trong những lĩnh vực làm việc có đặc thù yêu cầu về thể trạng, sức khỏe,…

Lịch sử học vấn

Thông thường bạn chỉ cần nêu quá trình từ khi học đại học/cao đẳng trở về sau để nhà tuyển dụng có thể biết được chứng nhận về kiến thức chuyên môn của bạn. Các bằng cấp, chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, hay khóa học chuyên môn cũng sẽ bổ trợ mục đích này.
(Lưu ý: việc liệt kê khả năng ngoại ngữ là gần như bắt buộc nếu bạn ứng tuyển cho doanh nghiệp nước ngoài hoặc sẽ làm việc với doanh nghiệp nước ngoài)

Kiến thức có thể lỗi thời và các loại bằng cấp thường có thời hạn sử dụng, nên bạn cũng phải liệt kê những bằng cấp này được cấp cho bạn khi nào.

Kinh nghiệm làm việc

Bạn chỉ nên để những kinh nghiệm làm việc liên quan đến vị trí mà bạn đang ứng tuyển. Quá nhiều kinh nghiệm không liên quan sẽ làm xao nhãng những phần kinh nghiệm nổi trội mà nhà tuyển dụng cần biết.

Hơn nữa, nếu thời gian làm việc cho những vị trí này càng ngắn sẽ khiến nhà tuyển dụng nghĩ rằng bạn là một “chuyên gia nhảy việc” và không thể cam kết lâu dài với bất cứ công việc nào. 

NHỮNG ĐIỂM CẦN LƯU Ý KHI TRÌNH BÀY CV

Sắp xếp theo trình tự thời gian

Việc sắp xếp lịch sử học vấn, kinh nghiệm làm việc, các hoạt động ngoại khóa,… theo thứ tự thời gian từ gần nhất đến xa nhất cho phép nhà tuyển dụng dễ dàng cập nhật những thông tin mới nhất về bạn và biết được số năm kinh nghiệm của bạn. Nhưng vẫn có những cách sắp xếp khác, tùy theo chủ đích của bạn (hãy đọc tiếp để biết những cách sắp xếp khác bên dưới nhé).

Chắt lọc thông tin được trình bày

Chọn và sắp xếp các phần hợp lí. Nếu thông tin thể hiện được bạn là người phù hợp cho công việc, chọn. Nếu bạn có ít kinh nghiệm hoặc đòi hỏi kiến thức nhiều hơn, hãy đặt quá trình học vấn lên đoạn đầu của CV; và ngược lại.

  • Hình đại diện (có thể có hoặc không) nhưng phải là hình mang tính chuyên nghiệp, chụp rõ mặt
  • Không nên sử dụng các hình ảnh không liên quan (logo công ty…) nếu công việc không đòi hỏi về thiết kế mỹ thuật
  • Đặt những thông tin quan trọng nhất ở đầu đoạn và bên trái hoặc ở cuối đoạn. Vì đây là nơi bắt đầu và kết thúc của mắt khi lướt hồ sơ nên sẽ là những điểm để lại ấn tượng nhiều nhất
  • Tận dụng từ khóa liên quan đến chuyên ngành để nhấn mạnh
  • Kiểm tra ngữ pháp và chính tả; lỗi sai sẽ khiến bạn trông ít chỉnh chu và thiếu tỉ mỉ hơn những gì bạn khẳng định trong CV

Phân cách các phần rõ ràng

Nhiều người vẫn nghĩ nên có nhiều thông tin càng tốt và cố gắng nhồi nhét chữ, hình ảnh để vừa phần CV (chỉ nên dài tối đa 3 trang). Nhưng phần lớn nhà tuyển dụng sẽ không có thời gian để đọc tất cả những gì bạn viết.

Trái lại, một CV trình bày gọn gàng, rõ ràng, dễ nhìn sẽ để lại ấn tượng đầu tiên tốt và tạo ra hiệu quả nhiều hơn nếu bạn:

  • Đặt heading cho các đề mục lớn (thông tin cá nhân, lịch sử học vấn,…) để tiện cho việc screening (đọc lướt)
  • Sử dụng bullet point (kí hiệu đầu dòng) để liệt kê các kĩ năng, kinh nghiệm, kiến thức một cách có hệ thống

Các yếu tố thẩm mỹ trong CV

  • Sử dụng các font chữ thông dụng (Times New Roman, Cambria, Arial, Calibri, Tahoma,…) và chỉ dùng từ 1-2 font trong văn bản để CV bạn dễ đọc hơn (trừ khi bạn đang ứng tuyển cho các vị trí thiết kế mỹ thuật)
  • Sử dụng khoảng trống để văn bản thoáng và dễ nhìn hơn. Đừng cố thu nhỏ chữ, lề hay khoảng cách giữa các chữ, dòng để nhồi nhét thông tin
  • Kích thước chữ nên từ 11pt trở lên để có thể đọc được. Các size lớn hơn có thể được dùng cho các tiêu đề mục nhưng đừng quá lạm dụng; vì chữ quá lớn hay quá nhỏ đều gây khó khăn cho việc đọc để lọc thông tin
  • Bullet point được sử dụng nên là các kí hiệu đơn giản như chấm tròn, vuông, gạch,… để người đọc đừng bị mất tập trung khỏi nội dung chính
  • Màu sắc trong CV nên trầm và chỉ nên có từ 1-3 màu nhất định để tạo thêm điểm nhấn nhưng không làm rối nhiễu sự tập trung
  • Thống nhất chung một format cho toàn bộ, từ font chữ, size chữ, bullet point, heading, màu sắc cho đến khoảng cách dòng để CV gọn gàng và có hệ thống hơn

BIẾN HÓA ĐỂ CV CỦA BẠN TRỞ NÊN ẤN TƯỢNG

Tùy theo tính chất công việc, bạn nên liệt kê những:

  • Giải thưởng liên quan
  • Đóng góp và công trình đã công bố cho chuyên ngành như các bài viết trên tạp chí, các buổi giảng, hội thảo,…(đối với các vị trí liên quan đến nghiên cứu khoa học)
  • Người giới thiệu (cấp trên, đồng nghiệp, giảng viên…) gồm tên, chức vụ, nơi công tác, chi tiết liên lạc để nhà tuyển dụng tìm hiểu và kiểm tra background của bạn. Bạn cũng phải cân nhắc xem người giới thiệu thế nào sẽ phù hợp với vị trí bạn định ứng tuyển
  • Hoạt động thiện nguyện, cộng đồng, nghệ thuật
  • Sở thích, đặc biệt là sở thích thể hiện tính cách, kĩ năng liên quan đến công việc. Ví dụ: vị trí là hướng dẫn viên du lịch, sở thích của bạn là đi du lịch, chụp ảnh

Ở phần tóm tắt về bản thân, hãy làm nổi bật những kinh nghiệm, kết quả đạt được, và tốt nhất bạn nên thể hiện bằng số, các trường hợp cụ thể. Trong trường hợp bạn có ít kinh nghiệm, hãy viết dựa trên mục tiêu mà bạn hướng đến hoặc giới thiệu về tính cách, học vấn của mình (phù hợp với vị trí).

Phần này nên là một đoạn, dài từ 3-5 dòng với một vài gạch đầu dòng thể hiện được những kĩ năng chính, trình độ chuyên môn đặc biệt. Bạn có thể viết ở ngôi cá nhân để thể hiện cá tính của mình nhiều hơn.

Vậy làm sao để phần kinh nghiệm sống động, hiệu quả hơn?

Không chỉ nên liệt kê mình đã làm ở đâu, vị trí nào, bạn còn phải thể hiện được mình đã làm gì, đạt được kết quả nào, và sức ảnh hưởng của việc bạn làm đối với công ty. Thay vì sắp xếp theo thời gian từ mới đến cũ - giúp người đọc cập nhật thông tin mới nhất về bạn, bạn còn có thể:

  • Sắp xếp theo thời gian từ cũ tới mới: giúp người đọc hình dung bước đường sự nghiệp của bạn (từ khi tốt nghiệp đến hiện tại)
  • Sắp xếp theo mục tiêu rồi mới đến việc làm: giúp lý giải bước đường sự nghiệp của bạn (vì sao bạn lại chọn làm những công việc trước)

Ngoài ra, bạn nên lưu ý hình ảnh cũng là một dạng thông tin. Nếu bạn quyết định sử dụng hình ảnh thì hãy dùng nó để thay thế chữ (biểu tượng của email, số điện thoại, các kỹ năng như Word, Photoshop,…); đừng cố nhồi nhét cả hai.

Kèm theo cover letter vào CV cũng là một cách để tận dụng cơ hội quảng bá bản thân nhiều hơn và đặc biệt là để thể hiện khả năng viết và khả năng ngoại ngữ của bạn.

Có vô số lời khuyên, nhưng chúng có thể được tóm gọn thành các quy tắc sau:

Để viết một CV xin việc ấn tượng, hoàn chỉnh, bạn hãy:

  • Chọn lọc thông tin cần thiết (tên, liên lạc, kinh nghiệm làm việc, học vấn,...)
  • Thông tin quan trọng để lên đầu
  • Bố cục, thông tin, thẩm quan nhất quán
  • Kiểm tra lỗi sai
  • "Less is more" - ít lượng nhưng nhiều chất

Chúc các bạn thành công. Còn nếu bạn có bất cứ câu hỏi nào, hãy liên lạc ngay với Reeracoen qua email: resume@reeracoen.com.vn hoặc fanpage Reeracoen Vietnam HR Facebook nhé!

👍 Follow Reeracoen Vietnam LinkedIn của Reeracoen Vietnam để được cập nhật công việc hấp dẫn mỗi tuần.
🌏 Tham khảo website www.reeracoen.com.vn để tự tìm kiếm sâu hơn những cơ hội mới cho bản thân.