Những Câu Hỏi Phỏng Vấn Dành Cho Nhà Tuyển Dụng

Recruitment BlogJuly 29, 2020 11:46

cau-hoi-phong-van-danh-cho-nha-tuyen-dung

Phỏng vấn là giai đoạn không thể thiếu trong bất kì quy trình tuyển dụng nào. Nhiều công ty thường chỉ có 2 vòng phỏng vấn qua điện thoại và phỏng vấn trực tiếp trước khi ra quyết định. Vậy làm thế nào để hiểu rõ về ứng viên chỉ thông qua những trao đổi này? Sau đây là các dạng và hơn 20 câu hỏi phỏng vấn dành cho nhà tuyển dụng để khai thác thông tin của ứng viên từ nhiều khía cạnh khác nhau. 

Các dạng câu hỏi phỏng vấn dành cho nhà tuyển dụng

Câu hỏi xác nhận

Mục đích của dạng câu hỏi phỏng vấn này là để làm rõ các thông tin được nhắc đến trong thư xin việc và CV. Các câu hỏi này cũng giúp nhà tuyển dụng tìm hiểu lý do ứng viên ứng tuyển. Từ câu trả lời của ứng viên, người phỏng vấn cần lưu ý những điểm được làm rõ hơn hay mâu thuẫn với những gì được ghi trong CV.

Ví dụ:

  • Vai trò của bạn tại công ty… là gì?
  • Vì sao bạn lại ứng tuyển cho vị trí này tại công ty chúng tôi?

Bài viết liên quan: Làm thế nào để xác minh thông tin ứng viên - reference check?

Câu hỏi hành vi

Dạng câu hỏi này dùng để kiểm tra kinh nghiệm, kỹ năng mềm (như làm việc nhóm, quản lý thời gian, ra quyết định,…), cũng như độ phù hợp với văn hóa công ty. Hãy chọn một thành tích, công việc mà ứng viên khẳng định trong CV và bắt đầu bằng “Hãy kể về lúc mà bạn…”, “Bạn đã làm như thế nào để….?”

Ví dụ:

  • Hãy kể về dự án tuyển dụng mà bạn tuyển được 100 nhân viên mới cho vị trí chăm sóc khách hàng
  • Bạn đã làm như thế nào để rút ngắn thời gian trong quy trình tuyển dụng?

Với dạng câu hỏi này, câu trả lời của ứng viên cần có đủ các yếu tố: tình huống ứng viên gặp phải (situation), công việc cần làm/vấn đề cần giải quyết trong tình huống đó là gì (task), ứng viên đã hành động như thế nào để hoàn thành công việc, giải quyết vấn đề (action), và kết quả cuối cùng ra sao (result).

Câu hỏi giả định tình huống

Đối với ứng viên ít kinh nghiệm, những câu hỏi giả định sẽ giúp họ thể hiện khả năng tư duy và bộc lộ một phần tính cách. Câu hỏi này sẽ thường bắt đầu bằng “Bạn sẽ làm gì nếu phải….?”

Ví dụ:

  • Bạn sẽ làm gì nếu phải làm việc với một đồng nghiệp không hợp tính?
  • Bạn sẽ làm gì nếu được quản lý một dự án?

Câu hỏi mẹo

Vì các ứng viên cũng sẽ luyện tập trước những câu hỏi phỏng vấn thường gặp, nhà tuyển dụng sẽ có những câu hỏi đặc biệt để gây bất ngờ và tăng độ thử thách cho các ứng viên. Dạng câu hỏi này không bắt buộc vì không khai thác được trực tiếp các năng lực cần thiết cho công việc và thường không có yếu tố cụ thể để đánh giá đáp án đúng sai. Tuy nhiên, người phỏng vấn vẫn thường sử dụng để xem xét tính cách, thái độ, cách ứng viên ứng xử trước tình huống đặt ra.

Ví dụ:

  • Hãy miêu tả bản thân bằng 3 tính từ.
  • Bạn sẽ làm gì nếu phát hiện vi phạm của đồng nghiệp hoặc sếp trực tiếp?

Câu hỏi follow up

Những câu hỏi follow up là những câu nối tiếp sau câu hỏi chính để làm rõ phần trả lời còn chung chung của ứng viên. Một câu hỏi phổ biến để follow up đó là “Vì sao lại như vậy?”

Ví dụ:

  • Câu hỏi follow up cho câu “Bạn hãy miêu tả bản thân bằng 3 tính từ”: “Vì sao bạn lại chọn 3 tính từ này?”.
  • Nếu ứng viên trả lời câu hỏi “Vì sao bạn lại ứng tuyển vào vị trí này?” với lý do công việc có tính thử thách cao, câu hỏi follow up có thể là “Định nghĩa của bạn như thế nào là công việc mang tính thử thách?”.

Một số mẫu câu hỏi phỏng vấn dành cho nhà tuyển dụng

Tùy theo vị trí, cấp bậc, và văn hóa công ty sẽ có những cách hỏi và câu hỏi cụ thể khác nhau. Sau đây chỉ là những câu hỏi mẫu, nội dung chung có thể tùy chỉnh để phù hợp với từng doanh nghiệp.

Lưu ý:

  • Câu hỏi được đặt ra nên là câu hỏi mở để ứng viên trình bày, giải thích thay vì chỉ đưa ra lựa chọn, hay trả lời có hoặc không.
  • Bên cạnh từ ngữ, ngôn ngữ cơ thể và giọng điệu của ứng viên khi nghe câu hỏi cũng là tín hiệu để đánh giá họ toàn diện hơn. Tuy nhiên, dưới áp lực của buổi phỏng vấn ứng viên cũng có thể sẽ cư xử khác hơn lúc bình thường.
  • Trong một số trường hợp, người phỏng vấn cũng có thể dùng nhiều câu hỏi thay thế để hỏi cùng một vấn đề nếu cảm thấy câu trả lời của ứng viên vẫn còn mơ hồ.

Kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng của ứng viên

Mục đích: kiểm tra mức độ phù hợp với yêu cầu công việc, khả năng đáp ứng công việc của ứng viên

  • Hãy nói về kinh nghiệm của bạn tại công ty trước đây.
  • Điểm mạnh lớn nhất của bạn là gì?
  • Trở ngại lớn nhất bạn từng vượt qua là gì? 
  • Điều gì trong quá khứ bạn ước có thể quay lại và làm khác đi?
  • Trách nhiệm của bạn có tăng lên hay cấp bậc của bạn có thay đổi trong thời gian bạn làm việc tại công ty hay không?
  • Trải nghiệm nào khiến bạn cảm thấy mình trưởng thành hơn trong công việc?
  • Hãy kể về một công việc mà bạn có thể đưa ra giải pháp tốt hơn, nhanh hơn, thông minh hơn, với mức giá rẻ hơn.
  • Vì sao đây là vị trí lý tưởng đối vớì bạn?
  • Những xu hướng/thách thức nổi bật trong lĩnh vực này là gì?
  • Nếu có thể quay trở lại lúc 18 tuổi, bạn sẽ có lời khuyên sự nghiệp nào dành cho bản thân mình?
  • Bạn muốn biết quản lý tuyển dụng biết những điều gì về bạn?
  • Có thông tin nào mà bạn muốn chia sẻ mà tôi chưa hỏi không?

Mục tiêu, giá trị quan trọng đối với ứng viên

Mục đích: Kiểm tra mức độ phù hợp với mục tiêu, giá trị của công ty, khả năng chấp nhận offer của ứng viên đó

  • 5 năm nữa bạn sẽ như thế nào?
  • Bạn dự định tiếp tục học và phát triển kỹ năng, vốn kiến thức của mình bằng cách nào?
  • Bạn muốn thay đổi, tìm kiếm điều gì trong công việc mới?
  • Bạn mong muốn mình phát triển như thế nào ở vị trí này? 
  • Điều gì khiến bạn ứng tuyển vào vị trí này?
  • Điều bạn quan tâm nhất ở vị trí này là gì?
  • Bạn biết gì về công ty của chúng tôi?
  • Bạn thích/không thích điều gì nhất ở công việc cũ?
  • Bạn muốn thay đổi điều gì về công ty cũ của mình?
  • Tại sao bạn lại làm công việc đó (công việc ở công ty hiện tại/vừa mới nghỉ)?
  • Thành tựu trong công việc lớn nhất của bạn là gì?
  • Lời khuyên về sự nghiệp nào mà bạn tâm đắc nhất?
  • Bạn có sẵn sàng di chuyển nơi ở cho công việc này?
  • Bạn có chấp nhận mức lương trong khoảng … đến … của chúng tôi?
  • Đề nghị gì mà công ty hiện tại đưa ra có thể giữ chân bạn lại?
  • Tại sao bạn lại làm nhiều công việc trong khoảng thời gian ngắn?
  • Sau 1 năm, khi ngồi đây để kỷ niệm ngày bạn vào công ty, chúng ta đã làm được gì rồi?
  • Nếu bạn được nhận vào làm, yêu thích công việc và được trả mức lương mong muốn, lời đề nghị từ công ty khác như thế nào sẽ khiến bạn cân nhắc?
  • Bạn sẽ làm những gì để chắc chắn mình có thể đảm nhận được vai trò của mình?
  • Bạn có câu hỏi nào dành cho chúng tôi không?
  • Bạn còn ứng tuyển cho công ty nào khác không?

Tính cách của ứng viên

Mục đích: kiểm tra khả năng hòa nhập, hợp tác với đồng nghiệp, độ phù hợp với văn hóa công ty

  • Sở thích của bạn là gì?
  • Bạn không thích làm chuyện gì?
  • Bạn đã phải vượt qua chướng ngại gì để phát triển bản thân?
  • Điều gì về bạn mà có thể làm người khác ngạc nhiên?
  • Hãy mô tả về hình mẫu sếp mà bạn thích và không thích.
  • Người quản lý, bạn bè của bạn mô tả bạn là người như thế nào?
  • Những người làm cùng sẽ mô tả vai trò của bạn như thế nào trong nhóm?
  • Phong cách quản lý của bạn là gì?
  • Hãy chia sẻ một câu chuyện mà bạn cảm thấy có giá trị đối với cá nhân bạn.
  • Khi nào thì bạn cảm thấy hài lòng nhất về cuộc sống của mình?
  • Đâu là hình mẫu bạn noi theo?
  • Hãy kể về lần bạn mắc sai lầm trong công việc.

Có rất nhiều câu hỏi phỏng vấn dành cho nhà tuyển dụng ở nhiều dạng như xác nhận thông tin, hành vi, giả định, kèm theo các câu hỏi follow up. Trong thời gian trò chuyện hạn chế, người phỏng vấn cần liệt kê, cấu trúc một bảng câu hỏi mẫu và thay đổi linh hoạt tùy theo nhu cầu của mỗi doanh nghiệp để thu thập đầy đủ thông tin cần thiết cho quyết định tuyển dụng (kỹ năng, kinh nghiệm, tính cách, động cơ), cũng như những phản hồi chân thật nhất từ ứng viên.

Xem thêm: Cách đo lường hiệu quả chiến dịch tuyển dụng

Nếu doanh nghiệp của bạn đang tìm kiếm nhân tài mới cho công ty, hãy liên lạc với Reeracoen Việt Namcông ty tư vấn tuyển dụng có 17 chi nhánh tại 10 quốc gia châu Á!
Với kho ứng viên sẵn có để giới thiệu với bạn ngay lập tức, đội ngũ tư vấn viên nhiều năm kinh nghiệm của Reeracoen sẽ giúp bạn sàng lọc và phỏng vấn sơ bộ để tìm kiếm được tài năng phù hợp với công ty.
Nhận tư vấn về dịch vụ tuyển dụng của Reeracoen